Khai mạc Hội nghị cấp Bộ trưởng Việt Nam - Lào - Campuchia về phòng, chống ma túy
Sáng 11-9, Hội nghị ba bên/song phương cấp Bộ trưởng Campuchia - Lào - Việt Nam về hợp tác phòng, chống ma túy lần thứ 18 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Hội nghị ba bên/song phương cấp Bộ trưởng Campuchia - Lào - Việt Nam về hợp tác phòng, chống ma túy là Hội nghị thường niên nhưng được tổ chức liền kề với Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia theo sáng kiến của Việt Nam, mời một số nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế tham dự để bàn thống nhất tăng cường đấu tranh, ngăn chặn sự phức tạp, gia tăng, giảm áp lực nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tham dự Hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam do Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, làm Trưởng đoàn; đoàn đại biểu Campuchia do Đại tướng Chunsovan, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy Vương quốc Campuchia làm Trưởng đoàn; đoàn đại biểu Lào do Trung tướng Somvang Thammasith, Thứ trưởng Bộ An ninh, Trưởng Ban chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát ma túy nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào làm Trưởng đoàn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tướng, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, tình hình tội phạm về ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp theo chiều hướng gia tăng cả về quy mô, tính chất và mức độ; xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn hoàn toàn mới rất tinh vi, xảo quyệt và manh động.
Những năm gần đây, bên cạnh các chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm dụng chất ma túy tổng hợp được sản xuất từ các tiền chất có sẵn trên thị trường và một số loại cây cỏ có chứa ma túy mới xuất hiện chưa được đưa vào danh mục kiểm soát.
Tình hình trồng cây có chứa chất ma túy diễn ra hầu như khắp nơi trên thế giới, những vùng tập trung lớn như Tam giác Vàng và Trăng lưỡi liềm vàng... Riêng khu vực Đông Nam Á, do có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi và chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ khu vực Tam giác Vàng nên tình hình tệ nạn ma túy trong khu vực đối diện với những thách thức lớn, diễn biến phức tạp trên nhiều mặt.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nhận thức rõ về mối nguy hại của ma túy, Chính phủ Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho nhiệm vụ phòng, chống ma túy, tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại, đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với ma túy; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, chú trọng đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; đổi mới và đa dạng hóa hình thức cai nghiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau cai; ngăn chặn và kiểm soát cơ bản tình hình tái trồng cây có chứa chất ma túy.
"Hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy ngày càng được nâng lên, nhiều vụ án ma túy lớn, có tổ chức xuyên quốc gia đã bị phát hiện, bắt giữ và xử lý, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, từ năm 1998, cơ chế hợp tác Ba bên/song phương về phòng, chống ma túy giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia đã được hình thành và phát triển. Qua hơn 20 năm hoạt động, cơ chế này đã và đang ngày càng phát huy tác dụng, kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì, củng cố và đấy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị giữa ba nước trong công tác phòng, chống ma túy và đã được khẳng định, đánh giá qua các kỳ Hội nghị.
Tuy nhiên, đồng chí Đại tướng, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia đang triệt để khai thác, lợi dụng các đặc điểm về địa chính trị, phong tục, tập quán sinh hoạt, quan hệ thân tộc, hoạt động giao lưu kinh tế giữa ba nước và những khó khăn, sơ hở trong kiểm tra, kiểm soát biên giới để mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua các nước với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, những biến động phức tạp của tình hình an ninh chính trị trên thế giới và khu vực tác động mạnh hơn, nhanh hơn đến an ninh trật tự của mỗi nước, xuất hiện nhiều yếu tố mới tác động tiêu cực, làm cho công tác kiểm soát, ngăn chặn tội phạm ma túy ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, hơn lúc nào hết, ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia cần tiếp tục chung sức, hợp tác chặt chẽ, huy động tối đa nội lực, tranh thủ triệt để ngoại lực để hỗ trợ cho công tác đấu tranh, phòng chống ma túy. Trước tiên là tập trung phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, cai nghiện ma túy; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy. Sự gắn kết giữa ba nước sẽ là yếu tố quan trọng, đảm bảo sự thành công trong công tác phòng, chống ma túy của mỗi nước.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Bộ Công an Việt Nam luôn xác định cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào về hợp tác phòng, chống ma túy là diễn đàn hết sức quan trọng để ba nước nhìn nhận, đánh giá tình hình, thảo luận và cùng nhau biểu thị quyết tâm tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho công tác phòng, chống ma túy.
Thay mặt Bộ Công an và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định luôn coi trọng, tiếp tục làm hết sức mình để tăng cường hơn nữa mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và nâng cao hiệu quả hợp tác với Uy ban Quốc gia phòng, chống ma túy của Campuchia và Lào, phấn đấu vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng một xã hội không ma túy.
Trong khuôn khổ Hội nghị, dự kiến diễn ra đến hết ngày 12-9, các đoàn sẽ tiến hành trao đổi thông tin cập nhật về tình hình sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và mua bán ma túy bất hợp pháp trên thế giới, trong khu vực cũng như giữa ba quốc gia; nhìn lại những nỗ lực và kết quả đạt được trong phòng, chống ma túy ở mỗi nước thời gian qua; nêu bật những khó khăn, thách thức mà các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của mỗi nước đang phải đối mặt; từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả, cùng các phương thức hợp tác, tuyên truyền nhằm phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia.