Khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024

Sáng 12-9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (PAGN- 8) với chủ đề: 'Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC'.

Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên; ông Nikolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Đại biểu tỉnh Cao Bằng có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Xuân Ánh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức hội nghị.

Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên phát biểu tại hội nghị.

Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị diễn ra từ ngày 12 đến 15-9 với sự tham gia của hơn 600 đại biểu thuộc 200 CVĐC của 45 quốc gia các châu lục với những hoạt động sau: Tham quan các gian hàng quảng bá CVĐC; triển lãm ảnh đẹp CVĐC; phiên họp toàn thể các CVĐC; các phiên họp hội thảo chuyên đề; trải nghiệm các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Cao Bằng…

Phát biểu chào mừng, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO là tổ chức duy nhất của Liên hợp quốc về lĩnh vực khoa học trái đất; tích cực thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về nâng cao nhận thức và hành động xử lý hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Các đại biểu chụp ảnh chung.

Các đại biểu chụp ảnh chung.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Đặc biệt, mạng lưới CVĐC toàn cầu còn là cộng đồng tăng cường gắn kết giữ gìn và bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc biệt - di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì sự phát triển của cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực. Ngay trước thềm hội nghị Việt Nam đã hứng chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Thảm họa thiên tai đưa ra vấn đề cấp bách phải có giải pháp, chương trình hành động chống biến đổi khí hậu.

“CVĐC toàn cầu chính là một lời giải cho vấn đề này. Tôi hoàn toàn đồng tình với Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhân Ngày quốc tế về Đa dạng địa chất: “Hiểu biết về địa chất giúp chúng ta khám phá quá khứ, sẵn sàng cho tương lai bất định và quản lý bền vững đất đai, sông ngòi, đại dương để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời di sản địa chất và đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và là nền tảng cho quá trình chuyển đổi xanh, vừa góp phần xóa đói, giảm nghèo vừa giảm thiểu thiên tai”, đồng chí Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, di sản CVĐC toàn cầu là tài sản vô giá của loài người, hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu đã góp phần tích cực vào bảo vệ trái đất và nhân loại cho hành tinh. Hội nghị là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, quản lý, học giả từ các nước CVĐC có cơ hội gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện xây dựng, vận hành và phát huy vai trò CVĐC toàn cầu UNESCO gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt xây dựng và kết nối du lịch CVĐC giữa các quốc gia trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc với sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc trên thế giới; gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa là yêu cầu tất yếu của ngành du lịch hướng đến sự phát triển bền vững.

Các đại biểu cắt băng khánh thành không gian văn hóa các dân tộc tại các CVĐC ở Việt Nam.

Các đại biểu cắt băng khánh thành không gian văn hóa các dân tộc tại các CVĐC ở Việt Nam.

Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tham quan các gian hàng và gian trưng bày văn hóa tại không gian trưng bày.

Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tham quan các gian hàng và gian trưng bày văn hóa tại không gian trưng bày.

Một gian hàng tại không gian trưng bày.

Một gian hàng tại không gian trưng bày.

Cao Bằng đã chọn mô hình CVĐC là hướng đi đúng đắn. CVĐC Non nước Cao Bằng đã làm tốt các khuyến nghị của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO theo hướng phát triển bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế xanh.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Lidia Brito cho biết: Hội nghị diễn ra tại thời điểm Cao Bằng và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề về thiên tai do biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho các thành viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đến với hội nghị không chỉ tham gia diễn đàn thảo luận, trao đổi, chia sẻ, học tập từ “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC”, mà còn phải thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gắn với xây dựng các chương trình hành động chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ trái đất- ngôi nhà chung của nhân loại.

“Đây là nhiệm vụ cấp bách cho CVĐC của mỗi quốc gia. Bởi chống biến đổi khí hậu là một hành trình dài, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của các quốc gia trên thế giới trong đó có các nước có danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO; phải có kế hoạch chung hướng đến giảm phát thải trên toàn cầu, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và môi trường văn hóa vì thế hệ hôm nay và mai sau. CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là một mô hình CVĐV có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả”, bà Lidia Brito nhấn mạnh.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng ban tổ chức hội nghị Hoàng Xuân Ánh cho biết, Cao Bằng trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn đã lựa chọn mô hình CVĐC là hướng đi đúng để phát triển bền vững. Hiện nay, CVĐC Non nước Cao Bằng còn lưu giữ những minh chứng cho sự tiến hóa và thay đổi hơn 500 triệu năm của trái đất đã kiến tạo nên dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức độc đáo, đa dạng, cùng với hệ thống hang động, sông ngòi phong phú. Trong đó nổi bật là thác Bản Giốc nằm trong top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới; động Ngườm Ngao với hệ thống nhũ đá độc đáo, đặc sắc đan xen nhau tạo thành một mê cung diệu kỳ; Quần thể hồ Thăng Hen với hệ thống hang động ngầm có giá trị quan trọng trong nghiên cứu khoa học… CVĐC Non nước Cao Bằng còn chứa đựng những giá trị nổi bật về hệ sinh thái với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén có hơn 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm...

CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tuy là một thành viên mới (từ năm 2018 đến nay), nhưng luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của mạng lưới và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cao Bằng đăng cai hội nghị nhằm nghị khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng nói riêng, Mạng lưới CVĐC Việt Nam nói chung trong các hoạt động của Mạng lưới CVĐC khu vực và toàn cầu; đồng thời, khẳng định quyết tâm của địa phương trong việc phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ngay sau lễ khai mạc, đại biểu dự hội nghị đã cắt băng khánh thành không gian các dân tộc Công viên địa chất, mở đầu cho các chuỗi hoạt động của hội nghị.

Tin, ảnh: TUẤN SƠN - KHÁNH VI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/khai-mac-hoi-nghi-quoc-te-lan-thu-8-mang-luoi-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-nam-2024-793968