Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025

Chiều 16/4, tại Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 với chủ đề 'Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm' đã chính thức khai mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự và có bài phát biểu thông điệp chính sách. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Báo Thế giới và Việt Nam tường thuật trực tiếp Lễ khai mạc và đưa tin tất cả các phiên làm việc.

Tham dự Lễ khai mạc có Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Trưởng ban Chiến lược, chính sách Trung ương Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương...

Về phía khách quốc tế có Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J.Mohammed, Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới Ani Dasgupta. Tổng thống Pháp, Thủ tướng Hà Lan, Tổng thư ký OECD gửi thông điệp phát biểu tới Hội nghị.

Hội nghị còn có sự hiện diện của các nhà lãnh đạo, đại diện Nhà nước, Chính phủ của các nước thành viên P4G; Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đông đảo các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế, các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả, phóng viên báo chí... trong và ngoài nước.

Phải lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách, chiến lược

Phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời cảm ơn tới các nhà Lãnh đạo, các khách quý, đại biểu đến đã đến tham dự diễn đàn cấp cao đa phương đầu tiên trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững mà Việt Nam đăng cai tổ chức.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị. (Ảnh: Quang Hòa)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị. (Ảnh: Quang Hòa)

"Đối với tôi, cùng các quý vị tham dự Hội nghị đa phương quy mô lớn như hôm nay là một niềm vui lớn, làm tôi nhớ lại cảm xúc sôi động, quyết tâm, tràn đầy niềm tin khi cùng các nhà lãnh đạo toàn cầu chứng kiến sự ra đời của Hiệp ước Tương lai tại Liên hợp quốc, văn kiện mang tính lịch sử của nhân loại được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9/2024. Tôi càng vui mừng hơn khi thấy rằng trên cơ sở tầm nhìn và khát vọng chung về tương lai bền vững cho nhân loại, chúng ta tiếp tục tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, chung tay hành động vì sự thịnh vượng chung", Tổng Bí thư tin tưởng.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong bối cảnh thế giới đang trải qua giai đoạn chuyển đổi mang tính thời đại, Việt Nam cũng đang đứng trước khởi điểm của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

"Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, với kinh nghiệm trong của 40 năm Đổi mới, Việt Nam xác định chặng đường hiện thực hóa các mục tiêu nói trên cần bảo đảm nguyên tắc “bền vững, bao trùm, hài hòa”, bao gồm: Phát triển nhanh phải đi đôi với bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển đất nước phải song hành với trách nhiệm quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu; Quá trình phát triển phải lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách, chiến lược, nhân dân là người thụ hưởng các thành quả phát triển.

Với quan điểm đó, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp chiến lược cho phát triển đất nước: Thứ nhất, thúc đẩy cải cách thể chế là đột phá của đột phá. Tập trung cải cách, mở cửa, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xã hội, tạp điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển, trong đó chú ý đến kinh tế tư nhân; tạo điều kiện để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc đăng cai tổ chức Hội nghị P4G lần thứ tư có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. (Ảnh: Quang Hòa)

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc đăng cai tổ chức Hội nghị P4G lần thứ tư có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. (Ảnh: Quang Hòa)

Thứ hai, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Trong đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là “không khí và ánh sáng” của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới. Chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững.

Về chuyển đổi xanh, nhờ cách tiếp cận đúng đắn, kịp thời, gắn Chiến lược tăng trưởng xanh với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, dù là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã bước đầu đạt một số kết quả quan trọng.

“Chúng ta là quốc gia đi đầu trong cung ứng năng lượng tái tạo tại ASEAN, với công suất điện gió, điện mặt trời chiếm 2/3 tổng công suất của ASEAN. Là điển hình tốt về thúc đẩy nông nghiệp xanh bền vững. Dự án 1 triệu hectare lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp là mô hình tiên phong được rất nhiều đối tác, tổ chức quốc tế quan tâm, tham khảo; Là thành viên tích cực, trách nhiệm của toàn bộ các cơ chế đa phương, sáng kiến lớn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng (như Thỏa thuận Paris về khí hậu, quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP, P4G…).

Đặc biệt về thể chế, Việt Nam cơ bản xây dựng các cơ chế, khuôn khổ cần thiết cho tăng trưởng xanh, bao gồm Quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng, các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn, danh mục các dự án trọng điểm và các nghị định tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực năng lượng, tăng trưởng xanh”, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng.

Thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, tài chính xanh

Tổng Bí thư cho rằng, là một nước đang phát triển có nền kinh tế đang chuyển đổi, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức về nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực, về khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu và về những biến động địa chính trị trên toàn cầu. Nhìn về tương lai, Việt Nam đang nhanh chóng thúc đẩy các đột phá chiến lược, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển vừa nhanh, vừa xanh, bao trùm và bền vững.

Vì vậy, Việt Nam sẽ chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn, tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh, trong đó, thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá, và nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt.

Nhận định con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương đặt mình vào dòng chảy của thế giới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả.

“Việc đăng cai tổ chức Hội nghị P4G lần thứ tư có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Thứ nhất, để phát huy vai trò là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của P4G và cộng đồng quốc tế. Thứ hai, để tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và mục tiêu trung hòa carbon năm 2050. Thứ ba, để góp phần nâng cao nhận thức về hợp tác quốc tế và để phát huy vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, Tổng Bí thư khẳng định.

Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng, Hội nghị sẽ tạo những động lực mới thúc đẩy hợp tác giữa P4G với các đối tác, giữa các nước Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu, giữa khu vực nhà nước và tư nhân nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, tài chính xanh.

Tìm giải pháp đột phá về tăng trưởng xanh

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Quang Hòa)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Quang Hòa)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cao vai trò của Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 - diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để cùng đưa ra các giải pháp đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối diện những thách thức chưa từng có về thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…, Thủ tướng chỉ ra rằng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược của các quốc gia, dân tộc trên toàn cầu.

“Chủ đề ‘Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm’ của Hội nghị lần này thể hiện khát vọng của tất cả chúng ta hướng đến một thế giới sáng, xanh, sạch, đẹp với quan điểm nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho quá trình xanh hóa và phát triển bền vững trên hành tinh xanh tươi đẹp của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định những khó khăn, thách thức cũng chính là cơ hội để thế giới cùng phát triển, người đứng đầu chính phủ Việt Nam chỉ ra những bài học kinh nghiệm quan trọng trên chặng đường chuyển đổi xanh của nhân loại. Một là, bảo đảm cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình chuyển đổi xanh. Hai là, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đóng vai trò then chốt; thị trường đóng vai trò dẫn dắt; nhận thức xã hội đóng vai trò nền tảng trong thúc đẩy chuyển đổi xanh. Ba là, đề cao nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trách nhiệm trong chuyển đổi xanh.

Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 có sự tham gia đông đảo của các Nhà lãnh đạo, đại diện Nhà nước, Chính phủ của các nước thành viên P4G; Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đông đảo các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế, các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả...(Ảnh: Quang Hòa)

Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 có sự tham gia đông đảo của các Nhà lãnh đạo, đại diện Nhà nước, Chính phủ của các nước thành viên P4G; Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đông đảo các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế, các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả...(Ảnh: Quang Hòa)

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam xác định chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu khách quan, là yếu tố then chốt và động lực đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Với vai trò là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, lấy con người làm trung tâm.

Việt Nam đưa ra 3 đề xuất: Thúc đẩy hoàn thiện tư duy xanh; Xây dựng một cộng đồng xanh trách nhiệm; và Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển mạnh các mô hình hợp tác xanh nhiều bên.

Trên cơ sở đó, Việt Nam kêu gọi P4G tiếp tục phát huy hơn nữa vị thế, tiềm năng và thế mạnh, thực sự trở thành một “vườn ươm ý tưởng”, một “phòng thí nghiệm” quốc tế về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, con người hôm nay đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang là giữ gìn và bảo vệ Trái đất.

Tuyên bố khai mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi gắm thông điệp: “Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, bản lĩnh vươn lên và trí tuệ sáng tạo của các quốc gia sẽ thực sự trở thành sức mạnh vô song, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bao trùm, bền vững trên toàn cầu, tất cả vì con người, của con người và do con người, vì hạnh phúc, ấm no của mọi người dân trên hành tinh xanh thân yêu của chúng ta”.

Ưu tiên phối hợp liên khu vực trong hành động vì khí hậu

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025. (Ảnh: Quang Hòa)

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025. (Ảnh: Quang Hòa)

Chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali cho biết, thế giới đang phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng là theo đuổi con đường hành động thực tế, toàn diện, giải quyết nhu cầu của nhóm dễ bị tổn thương nhất, những người đang phải gánh chịu nhiều tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu.

Trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2013 và Chương trình nghị sự 2033 của Liên minh châu Phi, Ethiopia đã vạch ra một lộ trình đầy tham vọng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vào năm 2050. Những tham vọng này đã được chuyển thành các biện pháp chính sách cụ thể, phản ánh trong các kế hoạch phát triển quốc gia và được triển khai thông qua chiến lược và sáng kiến xanh của quốc gia châu Phi này.

Tại Hội nghị,Thủ tướng Abiy Ahmed Ali cũng nhắc lại cam kết lâu dài của Ethiopia trong hành động chung vì khí hậu và phát triển bền vững. Nhà lãnh đạo Ethiopia đánh giá cao nỗ lực của tất cả các thành viên P4G và các đối tác vì cam kết chung hợp tác hành động vì khí hậu và phát triển trong nhiều năm qua.

Thủ tướng Ethiopia đề nghị các quốc gia phát triển một cách tiếp cận mới, gắn hành động khí hậu với các mục tiêu cụ thể, tính tới các đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó, các đối tác quốc tế cần tuân thủ các cam kết đã đề ra, tăng cường đầu tư, cung cấp tài chính, công nghệ, thúc đẩy các biện pháp về bảo tồn đa dạng sinh học và điều kiện tự nhiên của người dân địa phương tại các khu vực, đặc biệt là châu Phi.

Ông Abiy Ahmed Ali cũng kêu gọi các thành viên trong nhóm ưu tiên phối hợp liên khu vực trong hành động vì khí hậu, đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho Hội nghị COP lần thứ 30 tại Brazil sắp tới.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đánh giá cao Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 và vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam. (Ảnh: Quang Hòa)

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đánh giá cao Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 và vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam. (Ảnh: Quang Hòa)

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đánh giá, với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự chủ động và đóng góp thiết thực của Việt Nam trong việc thúc đẩy nỗ lực chung toàn cầu vì mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Đánh giá cao vai trò của hợp tác P4G trong thúc đẩy quan hệ đối tác về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Thủ tướng Sonexay Siphandone chia sẻ thêm, dù là đất nước còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, không có biển và khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ hạn chế, Lào cam kết mạnh mẽ và đã xây dựng các cơ chế, khuôn khổ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ Lào chia sẻ thông điệp quan trọng, khẳng định cộng đồng quốc tế phải thực sự là một cộng đồng chung, nỗ lực hợp tác, tương trợ lẫn nhau để thu hẹp khoảng cách phát triển và cùng tiến tới hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

P4G đem lại niềm hy vọng cho thế giới

Theo Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, trong một thập kỷ qua, dù đã có nhiều tiến bộ song thế giới vẫn chưa đạt được những mục tiêu phát triển bền vững cần thiết, trong khi đó, những cú sốc địa chính trị cùng tình hình giao thông gia tăng có thể làm thụt lùi tiến bộ của thập kỷ qua.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá, sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện các chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng xã hội dân sự toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư do Việt Nam đăng cai cho thấy cam kết xây dựng một xã hội bền vững, kiên cường, bao trùm và thịnh vượng hơn, đồng thời đem lại niềm hy vọng cho thế giới.

“Thông qua hợp tác, chúng ta có thể giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chuyển đổi hệ thống năng lượng, nước và thực phẩm để trở nên kiên cường hơn, bao trùm và bền vững hơn”, bà Amina J. Mohamad nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo, thiệt hại từ thiên tai đang ngày càng lớn, khủng hoảng khí hậu đang làm tiêu hao ngân sách và nguồn lực cần thiết cho phát triển.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed đánh giá cao lộ trình hướng tới tăng trưởng xanh của Việt Nam và nhận định đất nước hình chữ S đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch. (Ảnh: Quang Hòa)

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed đánh giá cao lộ trình hướng tới tăng trưởng xanh của Việt Nam và nhận định đất nước hình chữ S đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch. (Ảnh: Quang Hòa)

Trong bối cảnh đó, bà Amina Mohammed khẳng định, ngành năng lượng tái tạo không chỉ tạo cơ hội cho tương lai mà còn góp phần thúc đẩy việc làm, tăng cường số hóa và cải thiện tiếp cận năng lượng. Từ năm 2013, ngành này đã tạo ra 1,5 triệu việc làm và giúp GDP toàn cầu tăng trưởng 10%.

“Thế giới đang đứng trước cơ hội quý giá khi kỷ nguyên kinh tế mới sắp bắt đầu và toàn cầu đứng trước cơ hội thiết lập con đường xanh bền vững, đảm bảo quyền tiếp cận năng lượng, hướng tới nền kinh tế không phát thải carbon, chống chịu thiên tai, bảo vệ con người và hành tinh”, bà nói.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thế giới sử dụng tối đa công cụ hiện có để thúc đẩy các giải pháp; thay đổi chính sách thông minh ở mọi cấp, từ địa phương, quốc gia đến toàn cầu. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả, phát triển các ngành công nghiệp năng lượng xanh và chính sách rõ ràng để thu hút đầu tư trên quy mô lớn, tạo thêm việc làm và cuộc sống chất lượng bền vững

Bà Amina Mohammed cũng đề nghị các cộng đồng doanh nghiệp, tài chính và xã hội dân sự cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và biến những trở ngại thành cơ hội kinh doanh; tạo ra các mô hình và quan hệ đối tác mới để huy động tài chính cho cam kết khí hậu và phát triển bền vững.

Đánh giá cao lộ trình hướng tới tăng trưởng xanh của Việt Nam, bà Amina Mohammed nhận định, đất nước hình chữ S đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch. Quá trình chuyển đổi năng lượng từ than đá sang các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo không chỉ giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng hơn.

Phối hợp công – tư hiệu quả, hiện thực hóa giấc mơ xanh

Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới (WRI) Ani Dasgupta bày tỏ vinh dự được đại diện các đối tác chủ chốt của Diễn đàn P4G phát biểu tại sự kiện quan trọng do Việt Nam đăng cai. Theo ông Ani Dasgupta, thế giới đang trong quá trình chuyển đổi xanh - chuyển đổi nền kinh tế vì con người, thiên nhiên và khí hậu. Quá trình chuyển đổi này cần gắn liền với các doanh nghiệp, cùng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. “

Quá trình chuyển đổi xanh chính là nơi P4G đóng vai trò quan trọng. P4G tạo ra một nền tảng từng bước kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân, tài chính và chính phủ”, Chủ tịch WRI nói.

Ông Ani Dasgupta dẫn chứng, trong thời gian rất ngắn, chỉ hơn 5 năm, P4G đã thành công kết nối thế giới, huy động được hơn nửa tỷ USD vốn tư nhân cho sáng kiến này, tạo ra hàng ngàn cơ hội trên diện rộng. Và đây chỉ mới là sự khởi đầu.

Tại Việt Nam, Chủ tịch WRI cho rằng, có nhiều mô hình tiêu biểu về việc chính phủ hỗ trợ khởi nghiệp xanh. Ví dụ như công ty Stride cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình bằng cách giảm chi phí ban đầu và đơn giản hóa thủ tục, từ đó dễ dàng thu hút vốn. Điều này cũng phù hợp với chiến lược của Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đạt 50% hộ gia đình sử dụng năng lượng mặt trời, đồng thời tạo ra sự tăng tốc mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi xanh tại quốc gia Đông Nam Á.

Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới (WRI) Ani Dasgupt cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh. Đây không chỉ là một sự chuyển đổi đơn thuần, mà là chuyển đổi nền kinh tế vì con người, thiên nhiên và khí hậu. (Ảnh: Quang Hòa)

Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới (WRI) Ani Dasgupt cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh. Đây không chỉ là một sự chuyển đổi đơn thuần, mà là chuyển đổi nền kinh tế vì con người, thiên nhiên và khí hậu. (Ảnh: Quang Hòa)

Chủ tịch WRI cho rằng, công nghệ xanh trên thế giới cần phải đạt được mức giá phải chăng, có thể cung cấp năng lượng sạch, dồi dào và hợp túi tiền cho tất cả mọi người ở mọi nơi. Dù vậy, điều này vẫn chưa thể đạt được do không có nguồn tài chính, thiếu lực lượng lao động xanh được đào tạo, rào cản chính sách, vấn đề sử dụng đất, hay từ phía người tiêu dùng...

“Mỗi quốc gia đều có những khó khăn riêng cản trở việc hiện thực hóa tiềm năng năng lượng xanh dồi dào. Chính vì vậy, chúng tôi đã thiết lập và triển khai một quỹ hỗ trợ trị giá 7 triệu USD nhằm hỗ trợ các quốc gia tháo gỡ những rào cản này, để cuộc cách mạng năng lượng có thể thực sự mang lại kết quả như kỳ vọng”, ông Ani Dasgupta cho hay.

Theo ông Ani Dasgupta, hành trình xanh cần một mô hình hợp tác có sự phối hợp chặt chẽ, thực chất giữa các bên. Chủ tịch WRI bày tỏ mong muốn được đồng hành với tất cả các đối tác P4G, các quốc gia để mở rộng hơn nữa mô hình hợp tác này.

“WRI, chúng ta, bao gồm tất cả mọi người, chính là một đội ngũ tuyệt vời để thúc đẩy những cuộc thảo luận thiết thực, vì lợi ích của con người, thiên nhiên và khí hậu”, ông Ani Dasgupta kết luận.

Sau Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, các đại biểu đã cùng tham dự phiên Thảo luận cấp cao do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 đã diễn ra các hoạt động: Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tiếp song phương các Trưởng đoàn, đại diện các nước thành viên P4G; Lễ đón chính thức và chụp ảnh chung của các Trưởng đoàn; Khai mạc Triển lãm Tăng trưởng xanh, kết nối doanh nghiệp...

Xem thêm các bài viết về Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 trên TG&VN tại đây.

Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025, diễn ra từ ngày 14-17/4.

Đây là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.

Nhóm PV TG&VN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khai-mac-hoi-nghi-thuong-dinh-p4g-viet-nam-2025-311298.html