Khai mạc hội thảo khoa học 'Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 50 năm nhìn lại (1975-2025) và bài học kinh nghiệm'
Sáng nay (29/4) tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức khai mạc hội thảo 'Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 50 năm nhìn lại (1975-2025) và bài học kinh nghiệm' với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học trong cả nước.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo khoa học “Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 50 năm nhìn lại (1975-2025) và bài học kinh nghiệm". (Ảnh: ANH ĐÀO)
Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng của Học viện Chính trị khu vực III nhằm hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập tự chủ, tinh thần quật khởi, khát vọng hòa bình cho các tầng lớp nhân dân và nhất là thế hệ trẻ; xây dựng ý chí quyết tâm cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, hiện thực hóa mục tiêu đến 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao.
Báo cáo đề dẫn khai mạc hội thảo, PGS,TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III nhấn mạnh, cách đây đúng 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trong thế kỷ XX.

PGS,TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 còn là minh chứng rõ ràng nhất cho thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam; của đường lối và nghệ thuật quân sự dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng ta; sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; của lòng trung thành tuyệt đối và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân với sự chỉ huy thao lược của các vị tướng lĩnh tài ba; của tình hữu nghị và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của bạn bè quốc tế; của liên minh chiến đấu kề vai sát cánh chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước: Việt Nam, Lào, Campuchia.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, quân và dân ta trên cả hai miền nam-bắc đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên quyết tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện nhằm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Trải qua 21 năm kháng chiến, dân tộc ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chấp nhận hy sinh mất mát với tinh thần “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, từ đó đã đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
PGS,TS Lê Văn Đính đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo cùng tập trung phân tích, luận giải làm sâu sắc hơn, sáng tỏ hơn bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước tác động sâu sắc, nhiều chiều đến cách mạng Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo sáng ngày 29/4. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Đồng thời, nhận diện rõ, đầy đủ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai trong chiến tranh Việt Nam; nghiên cứu làm sâu sắc hơn chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự chỉ đạo, điều hành nhạy bén, sáng tạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh; sự chủ động, linh hoạt của các cấp ủy đảng trong quá trình lãnh đạo quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học, các đại biểu tập trung làm rõ hơn tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc để vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Được biết, tại hội thảo có 56 tham luận của các nhà khoa học, các học giả, nhà nghiên cứu, trong đó tập trung hai nội dung cốt lõi gồm Những vấn đề lịch sử và Giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm.