Khai mạc Hội thảo quốc tế về hợp tác vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển
Sáng ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế 'Hợp tác vì biên giới, biển, đảo, hòa bình và phát triển'.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; ngài Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phải đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành; nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, nguyên lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia, các địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước…
Vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo xuất phát từ ý nghĩa của công tác biên giới, lãnh thổ và yêu cầu thực tế khách quan của việc quản lý và hợp tác vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển.
Biên giới cả trên đất liền và trên biển xác định không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia, đồng thời thể hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Do đó, việc phân định rõ ràng biên giới và quản lý, hợp tác hiệu quả trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế là yếu tố then chốt để bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững cũng như xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa các quốc gia liên quan.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên và đặt ra nhiều đe dọa đến trật tự quốc tế và lợi ích chung của nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế. Vì vậy “Chúng ta không chỉ phải đối mặt với những tranh chấp cả về chủ quyền lãnh thổ và biển cùng những diễn biến phức tạp, đáng quan ngại từ các tranh chấp này, mà còn phải đối mặt với nhiều vẫn đề thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt tài nguyên và tội phạm xuyên quốc gia”, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nói.
Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia mà còn tác động đến an ninh và phát triển của khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao chia sẻ, là quốc gia với trên 5.000 km biên giới đất liền và 3.260 km đường bờ biển, Việt Nam thấy rất rõ ý nghĩa, sự cần thiết và nhu cầu hợp tác quốc tế về biển và biên giới lãnh thổ. Những bước tiến quan trọng trong công tác giải quyết vấn đề biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam đã cho thấy rõ điều đó.
Trên đất liền, Việt Nam đã hoàn tất việc hoạch định và phân giới cắm mốc với Trung Quốc và Lào; đã hoạch định xong toàn bộ đường biên giới trên đất liền với Campuchia, đồng thời đã phân giới, cắm mốc được 84% đường biên giới đất liền.
Trên biển, Việt Nam cũng đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định phân định với các quốc gia láng giềng, như: giải quyết vấn đề phân định biển tại Vịnh Thái Lan với Thái Lan năm 1997, phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, phân định thềm lục địa năm 2003 và vùng đặc quyền kinh tế năm 2022 với Indonesia.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiến hành hợp tác về biên giới với nhiều nước trong và ngoài khu vực nhằm mục đích duy trì hòa bình, ổn định, phát triển, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và giải quyết các thách thức an ninh biển phi truyền thông ở Biển Đông.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ khẳng định, đó là kết quả của tinh thần hợp tác chủ yếu thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, thiện chí dựa trên luật pháp quốc tế. Kết quả trên cũng là tiền đề cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị, duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác và hợp tác phát triển bền vững với các nước láng giềng. Đối với các vấn đề còn tồn đọng về biên giới, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực cùng các nước liên quan giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Vai trò quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ cho rằng Biển Đông, với vị trí chiến lược về kinh tế và an ninh, hiện là tâm điểm của nhiều thách thức lớn về an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Trong quá trình giải quyết các thách thức này, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đóng vai trò vô cùng quan trọng như là khuôn khổ pháp lý toàn diện và phổ quát cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi. UNCLOS không chỉ là công cụ thực tiễn giúp các quốc gia phân định ranh giới trên biển và giải quyết hòa bình tranh chấp, mà còn tạo cơ sở vững chắc cho các hoạt động hợp tác quốc tế trên biển.
Là một trong những nước tiên phong trong việc ký kết và thực thi UNCLOS, Việt Nam cam kết tôn trọng và áp dụng các quy định của UNCLOS để giải quyết các vấn đề trên biển, nhằm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ và duy trì một trật tự pháp lý quốc tế trên biển và đại dương dựa trên UNCLOS, khuyến khích sự phát triển và hợp tác, như khẳng định của Quốc hội Việt Nam trong Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ kỳ vọng, Hội thảo hôm nay có sự tham gia của nhiều học giả uy tín trong và ngoài nước, đại diện các cơ quan và địa phương thường xuyên giải quyết các công việc liên quan đến biên giới lãnh thổ, là cơ hội để các đại biểu thảo luận, trao đổi về những vấn đề đang nổi lên liên quan đến biên giới, biển và đảo, đặc biệt về mặt pháp lý và thực tiễn hợp tác, quản lý và phát triển.
Qua đó, những kiến thức và kinh nghiệm quý báu được chia sẻ trong hội thảo sẽ ít nhiều giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng hơn nhằm góp phần vào việc duy trì hòa bình và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.
Trong phát biểu của mình, ngài Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phải đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam cho rằng, Hội thảo hôm nay là một phần của dự án hợp tác về thể chế, nhằm mục tiêu tăng cường năng lực giữa các đối tác trong lĩnh vực phân định và quản lý biên giới.
Đồng thời, góp phần vào việc thực hiện một mục tiêu phát triển bền vững có thể được xem là chính yếu của thế giới hiện nay, và vào thời điểm mà các cuộc xung đột vẫn đang được giải quyết, hoặc thật không may lại bị giải quyết bằng vũ lực thay vì đối thoại. Mục tiêu phát triển bền vững 16 về duy trì công lý, gìn giữ hòa bình và tăng cường thể chế vì mục tiêu này.
Ngài Pierre Du Ville nhấn mạnh, đối tượng trung tâm của dự án này vô cùng quan trọng. Biển Đông, một ngã tư chiến lược của Đông Nam Á, từ nhiều thế kỷ đã là trọng tâm trong mối quan tâm của Việt Nam. Vai trò quan trọng về mặt địa chiến lược của Biển Đông tiếp tục tăng dần lên và trở thành vấn đề lớn đối với toàn bộ khu vực.
Ngày nay, những vấn đề này vừa có yếu tố pháp lý, vừa có yếu tố kinh tế. Một mặt, những cách diễn giải khác nhau về luật biển quốc tế đã làm phức tạp thêm những nỗ lực giải quyết hòa bình các xung đột. Mặt khác, các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Biển Đông - dầu khí và nguồn lợi thủy sản - có vai trò trung tâm trong những vấn đề kinh tế quan trọng. Ngoài ra, an ninh trên các tuyên đường biển thương mại cũng có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế của Việt Nam và khu vực.
Trưởng đại diện Phải đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam bày tỏ hoan nghênh việc Việt Nam trở thành ‘một tấm gương’ về ưu tiên biện pháp ngoại giao và đối thoại song phương với các nước láng giềng, cũng như tích cực tham gia các diễn đàn khu vực, đặc biệt là trong ASEAN, nhằm thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Với dự án hợp tác này, Trưởng đại diện Phải đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam hy vọng đóng góp một phần nhỏ vào việc tìm kiếm các giải pháp, và mong muốn duy trì mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa Ủy ban Biên giới quốc gia và Đại học Tự do Brussels sẽ một lần nữa được thể hiện rõ nét tại kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Thường trực được tổ chức tại Brussels vào tháng 11 tới, với mục đích thiết lập chương trình hợp tác tiếp theo 2025-2027.
Dự kiến, trong buổi sáng, Hội thảo sẽ có hai phiên. Phiên 1: Các vấn đề biên giới trên đất liền và Phiên 2: Các vấn đề biên giới biển.