Khai mạc kỳ họp Quốc hội đặc biệt

Khác với các lần trước, kỳ họp Quốc hội thứ 9 khóa XIV có rất nhiều điểm đặc biệt như họp trực tuyến, không tổ chức chất vấn.

Sáng 20/5, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Khác với thông lệ, kỳ họp lần này được tổ chức theo 2 đợt. Đợt 1 là họp trực tuyến và đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Đợt họp trực tuyến sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, diễn ra từ 20/5 đến 4/6.

Đợt họp tập trung sẽ diễn ra từ ngày 10/6 đến 19/6.

 Các đại biểu Quốc hội họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng trong kỳ họp thứ 8. Ảnh: Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng trong kỳ họp thứ 8. Ảnh: Quốc hội.

Một điểm khác của kỳ họp lần này là Quốc hội không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể. Thay vào đó, đại biểu Quốc hội gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.

Theo Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, trong các phiên họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng.

Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng.

Khi biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên iPad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng.

Trao đổi với Zing, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhìn nhận đây là một kỳ họp đặc biệt, diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khi đại dịch Covid-19 vừa gây tác động mạnh đến kinh tế, xã hội nước ta.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng với việc họp trực tuyến, việc thảo luận, tranh luận của các đại biểu có thể không thuận lợi, hiệu quả bằng hình thức họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng. Song, các đại biểu Quốc hội sẽ nỗ lực hết sức để truyền tải các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đưa được nguyện vọng của cử tri đến với diễn đàn Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) dự đoán kỳ họp lần này sẽ nóng lên với rất nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, điển hình như vụ nâng khống giá máy xét nghiệm trong bối cảnh dịch bệnh, vụ Đường "Nhuệ" ở Thái Bình có hay không việc bảo kê cho các tổ chức xã hội đen hoạt động...

Ngoài ra, theo ông Hòa, trong bối cảnh tác động bởi dịch bệnh, cử tri đang rất muốn nghe và kỳ vọng vào các giải pháp để đạt được "mục tiêu kép" mà Chính phủ đề ra.

Trong phiên khai mạc sáng nay, Quốc hội sẽ nghe hàng loạt báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2019, kế hoạch năm 2020; báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội của MTTQ Việt Nam; báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri của Ban Dân nguyện...

Đặc biệt, trong báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày sẽ có nội dung về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA)...

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khai-mac-ky-hop-quoc-hoi-dac-biet-post1086504.html