Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Sáng 20-10, tại Hà Nội, trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các vị đại biểu Quốc hội đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự lễ viếng có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí Thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chuyên trách Trung ương, đại biểu Quốc hội tại Hà Nội.
Trong tiếng quân nhạc trang nghiêm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, tưởng nhớ công lao vĩ đại của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Kết thúc lễ viếng, các đại biểu trở về Nhà Quốc hội họp phiên trù bị chuẩn bị cho Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV diễn ra lúc 9h sáng cùng ngày tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp đặc biệt, diễn ra ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đồng thời đây cũng là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, do đó, Quốc hội sẽ tập trung thời gian xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng còn lại trong Chương trình công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Theo chương trình, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ được tiến hành trong khoảng 19 ngày, chia làm 2 đợt. Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian từ ngày 20-10 đến 27-10). Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (thời gian từ ngày 02/11-17/11/2020).
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét thông qua 07 dự án luật và 03 Nghị quyết; cho ý kiến đối với 04 dự án luật khác.
Các dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Các dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết chất vấn khóa XIII.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.