Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Sáng 23/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Dự phiên khai mạc có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo các địa phương; các vị đại biểu Quốc hội; các đại biểu Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Phiên khai mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Trước khi khai mạc Kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ 2021-2026 và sẽ chia thành 2 đợt (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 28/11). Tại Kỳ họp, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6. Ảnh: TTXVN

Theo đó, về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026; đồng thời xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công…

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật; xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật.

Về hoạt động giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày, tập trung vào việc thực hiện các lời hứa, cam kết và yêu cầu của Quốc hội đối với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Nhấn mạnh khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp này sẽ kịp thời thể chế hóa những quyết sách cơ bản và quan trọng tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc thành công tốt đẹp, khẳng định quyết tâm và sự chuẩn bị chắc chắn để cả nước bước vào năm 2024 - năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Hưởng ứng lời kêu gọi và sự mong đợi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương, với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh vững vàng đã tích lũy, được trui rèn qua một nửa nhiệm kỳ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò và trọng trách của người đại biểu Nhân dân; phát huy dân chủ, đoàn kết, tâm huyết và trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khi xem xét quyết định đối với từng nội dung của Kỳ họp.

Sau phát biểu khai mạc, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Buổi chiều, Quốc hội nghe các báo cáo, tờ trình, báo cáo thẩm tra về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số nội dung quan trọng khác.

Cũng trong ngày 23/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 890/NQ-UBTVQH15 về việc phê chuẩn kết quả bầu Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Phê chuẩn kết quả bầu ông Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Ninh Bình. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khai-mac-ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xv/d20231023140255997.htm