Khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng
Sáng nay 3/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Ất Tỵ 2025 do huyện Mê Linh tổ chức, đã diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng.
Tới dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Lễ hội được tổ chức theo nghi thức Nhà nước và truyền thống địa phương gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ: tổ chức Kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà xưng Vương, lập kinh đô, tiến hành củng cố xây dựng lại đất nước. Hai Bà Trưng trở thành vị Vua nữ đầu tiên của dân tộc, nữ Vương đầu tiên trên thế giới, là niềm tự hào của dân tộc ta.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, trong những nhân tài đất Việt, hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị - hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc chính là tấm gương oanh liệt, là niềm tự hào của phụ nữ và nhân dân Việt Nam. Đây là cuộc khởi nghĩa tập hợp rất nhiều các nữ tướng từ khắp mọi miền, quyết tâm, đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Tại lễ hội, chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” được tổ chức mở màn vào sáng 3/2 mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, tôn vinh mảnh đất Mê Linh - nơi khởi nguồn cho cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Chương trình nghệ thuật tái hiện sinh động câu chuyện lịch sử của Hai Bà, từ tuổi thơ học chữ, luyện võ... đến khi nuôi chí lớn, tạo sự kết nối từ những giá trị truyền thống đến tinh thần quật cường của dân tộc.
Trước đó, từ ngày 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi làm lễ "Tế trình", đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ Đền về Đình làng (đình Hạ Lôi).
Ngoài phần lễ, phần hội diễn ra từ ngày 3 đến hết ngày 7/2 (từ ngày mùng 4 đến hết mùng 10 tháng Giêng) với hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao phục vụ nhân dân, du khách tham quan...
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/khai-mac-le-hoi-den-hai-ba-trung-300375.htm