Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề 'Bản hòa âm đất nước'

Tối 24/2, tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2024 có chủ đề 'Bản hòa âm đất nước'.

Đêm khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. (Ảnh: NHƯ TRANG)

Đêm khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. (Ảnh: NHƯ TRANG)

Đến dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cùng đông đảo các nhà thơ, nhà văn, những người yêu thơ ở Hà Nội…

Phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Trong đêm thơ Rằm tháng Giêng này, gió rét và mưa bay như một thách thức của thi ca nhưng với dân tộc Việt Nam càng trong thách thức, càng trong khổ đau và mất mát, những “đóa hoa” của trái tim, của mỗi gương mặt được mở ra. Đó chính là bản chất của dân tộc Việt Nam và khiến Việt Nam trở thành cái tên khác biệt trong toàn bộ lịch sử thế giới”.

Trong lời phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam trên mảnh đất thiêng liêng của dân tộc mình. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên bản hòa âm đất nước. Những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc, mà một trong những vẻ đẹp đó là thơ ca”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhận bó hoa tươi thắm từ nhà thơ Kiều Maily người dân tộc Chăm.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhận bó hoa tươi thắm từ nhà thơ Kiều Maily người dân tộc Chăm.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã gióng hồi trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2024.

Đêm thơ gồm 4 phần: Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía bắc; Các nhà thơ quốc tế tham gia giao lưu và đọc thơ; Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực miền trung-Tây Nguyên và miền nam; Những dư âm còn mãi.

Điểm đặc biệt nhất của đêm thơ khai mạc Ngày thơ năm nay là sự gặp gỡ của các nhà thơ đại diện cho 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. Người nghe được nghe những vần thơ từ những ngôn ngữ khác nhau, mang đến những nét văn hóa đặc sắc khác nhau, kể những câu chuyện về vùng đất, con người của họ. Đêm thơ là những bản hòa ca của các dân tộc miền núi phía bắc, của vùng trung du, của miền trung và Nam Trung Bộ, của vùng Nam Bộ và Tây Nguyên.

Nhà thơ Jeon-Min (Hàn Quốc) trình bày bài thơ "Có một Vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội". (Ảnh: NHƯ TRANG)

Nhà thơ Jeon-Min (Hàn Quốc) trình bày bài thơ "Có một Vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội". (Ảnh: NHƯ TRANG)

Ngày thơ còn có sự tham gia và trình bày thơ của các nhà thơ đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đêm thơ năm nay có sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục…, song song với việc duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ, với mong muốn đem đến sự thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm thơ xuất sắc của các nhà thơ dân tộc cho khán giả.

Ngày thơ diễn ra trong hai ngày 24 và 25/2, với tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” diễn ra sáng 25/2, cùng không gian Ngày thơ với Đường thơ, Cây thơ, Nhà ký ức - nơi trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khai-mac-ngay-tho-viet-nam-lan-thu-22-voi-chu-de-ban-hoa-am-dat-nuoc-post797434.html