Khai mạc phòng trưng bày sách giáo khoa thật - giả

Tình trạng sách giáo khoa và sách học tập, tham khảo giả đang nở rộ trên thị trường. Cơ quan quản lý thị trường đã khai mạc phòng trưng bày các mẫu vật để giúp phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

 Cán bộ quản lý thị trường giới thiệu những đặc điểm phân biệt sách giáo khoa thật và giả

Cán bộ quản lý thị trường giới thiệu những đặc điểm phân biệt sách giáo khoa thật và giả

Ngày 20-8, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập thật và giả”, tại địa chỉ 62 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm - Hà Nội).

Như Báo SGGP đã thông tin, gần đây, lực lượng quản lý thị trường tại một số địa phương đã phát hiện, bắt giữ các vụ sản xuất, in ấn, kinh doanh sách giáo khoa giả với quy mô và số lượng lớn.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng trăm ngàn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số nhà xuất bản khác.

Nổi cộm là các vụ phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại tỉnh Hậu Giang; thu giữ 34.000 quyển sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa tại tỉnh Đồng Nai; phát hiện, thu giữ 5.500 quyển sách giáo khoa giả tại tỉnh Tây Ninh.

 Một vụ sản xuất sách giả được cơ quan chức năng phát hiện tại tỉnh Hậu Giang hồi tháng 7-2024. Ảnh tư liệu

Một vụ sản xuất sách giả được cơ quan chức năng phát hiện tại tỉnh Hậu Giang hồi tháng 7-2024. Ảnh tư liệu

Tại phòng trưng bày khai mạc ngày 20-8, Tổng cục Quản lý thị trường đã giới thiệu tới người dân những mẫu (xuất bản phẩm) sách giáo khoa, sách tham khảo… thật đặt bên cạnh những sách giáo khoa, vở bài tập, sách tham khảo… giả được phát hiện, thu giữ trong thời gian qua để nhận biết, phân biệt.

Theo đó, cơ sở để giúp nhận biết, phân biệt thật - giả chủ yếu dựa trên màu sắc, hình ảnh, khổ sách, định lượng giấy, nội dung, tem chống giả và mã thẻ cào... Các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ, không đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực.

Tại Việt Nam, tình trạng sản xuất, kinh doanh sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại truyện tranh, các loại đồ dùng học tập giả mạo về nhãn hiệu, kém chất lượng hiện diễn ra khá phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà xuất bản, các doanh nghiệp, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết và gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Phòng trưng bày mở cửa từ ngày 20-8 đến hết ngày 24-8.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khai-mac-phong-trung-bay-sach-giao-khoa-that-gia-post754948.html