Khai mạc Trại nghiên cứu, học tập 'Theo dấu chân Bác Hồ' tại Quảng Tây, Trung Quốc
Ngày 18/5, tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình đã tham dự Lễ khai mạc Trại nghiên cứu, học tập 'Theo dấu chân Bác Hồ'.

Đại sứ Phạm Thanh Bình tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc hoạt động 'Theo dấu chân Bác Hồ' trong khuôn khổ 'Hành trình đỏ nghiên cứu, học tập của thanh niên'.
Sự kiện do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc, Khu đoàn thanh niên Quảng Tây và Tỉnh đoàn Quảng Đông (Trung Quốc) phối hợp tổ chức, là hoạt động mở đầu cho chương trình “Hành trình đỏ nghiên cứu, học tập của thanh niên” năm 2025.
Lễ khai mạc diễn ra trang trọng với sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương; Bí thư thứ Nhất Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc A Đông cùng đông đảo đại biểu thanh niên đến từ các địa phương của Việt Nam như Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Hải Phòng cùng với Quảng Tây, những khu vực giữ vai trò quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Phạm Thanh Bình đánh giá cao ý nghĩa của chương trình trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tổ chức Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung và Việt Nam kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025). Đại sứ nhấn mạnh, Trại nghiên cứu, học tập “Theo dấu chân Bác Hồ” là hoạt động cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, góp phần tăng cường hiểu biết, giao lưu giữa thế hệ trẻ hai bên, đặc biệt là thanh niên các địa phương có quan hệ hữu nghị truyền thống.

Toàn cảnh Lễ khai mạc Trại nghiên cứu, học tập 'Theo dấu chân Bác Hồ' tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 18/5.
Trước lễ khai mạc, Đại sứ Phạm Thanh Bình cùng đoàn đại biểu đã tới thăm Trường Dục Tài Nam Ninh, trực thuộc Đại học Quảng Tây, nơi từng là cơ sở đào tạo cán bộ lớn nhất của Việt Nam tại nước ngoài trong những năm kháng chiến. Với sự hỗ trợ quý báu từ phía Trung Quốc về cơ sở vật chất, hậu cần và đội ngũ giảng viên, Trường Dục Tài đã trở thành biểu tượng sinh động cho tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước trong giai đoạn khó khăn.
Tại đây, Đại sứ đã tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển và truyền thống giáo dục giàu ý nghĩa của nhà trường; đồng thời gặp gỡ, trao đổi với các cán bộ, giảng viên đang nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử cách mạng và quan hệ hữu nghị Việt-Trung.