Khai mạc triển lãm 'Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Truyền thống và Phát triển

Ngày 5-10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khai mạc triển lãm 'Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Truyền thống và Phát triển', hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn, 66 năm Giải phóng Thủ đô Hà Nội, 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thể theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội cùng các đồng chí đại diện nhân dân Huế, Sài Gòn quyết định thành lập Ban vận động kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đầu tháng 10-1960, do Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội làm Trưởng ban.

Triển lãm "Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Truyền thống và Phát triển" với hơn 300 hình ảnh, tài liệu, là một phác họa tiêu biểu cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, truyền thống lịch sử, văn hóa, thành tựu kinh tế, xã hội của ba thành phố

Triển lãm "Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Truyền thống và Phát triển" với hơn 300 hình ảnh, tài liệu, là một phác họa tiêu biểu cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, truyền thống lịch sử, văn hóa, thành tựu kinh tế, xã hội của ba thành phố

Tối 8-10-1960, tại câu lạc bộ Ba Đình, Ban vận động đã tổ chức trọng thể Lễ ký kết giữa ba thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Từ đây, nhân dân Hà Nội đã ghi tên Huế - Sài Gòn trong trái tim mình, trong tâm trí của mỗi người dân Thủ đô mang tình yêu Huế - Sài Gòn với quyết tâm đẩy mạnh mọi mặt công tác, nỗ lực xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn của nhân dân miền Nam. Sự kiện này mở đầu cho phong trào kết nghĩa giữa hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn phát triển nhanh chóng và đạt được kết quả to lớn trên địa bàn Thủ đô. Nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đều hướng về miền Nam ruột thịt. Các đơn vị phấn đấu giành vinh dự mang tên ba thành phố anh hùng, tình nguyện đi đầu trong việc đáp ứng cho Sài Gòn, Huế.

Nhiều bông hoa kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đua nhau nở rộ khắp Thủ đô như: Dòng điện vì miền Nam ở nhà máy điện Yên Phụ, những chiếc xe ca du lịch “Bến Thành”, “Đông Ba” ở xí nghiệp đóng xe ca Hà Nội, những chiếc máy đi-ê-den mang tên Hà Nội - Huế - Sài Gòn ở nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, những xe bia kết nghĩa, bao gạo tiền phương, những cánh đồng “5 tấn thắng Mỹ”, những mét vải, hộp thuốc ngoài giờ trong phong trào “Hai triệu mét vải, một trăm tấn thuốc” tặng miền Nam. Ở Hà Đông, Sơn Tây nhiều phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, phong trào kết nghĩa “Hà Đông - Cần Thơ”, “Sơn Tây - Tây Ninh”, nhiều công trình lao động sản xuất mang tên các địa phương ở Cần Thơ - Tây Ninh được hoàn thành,...

Trong 60 năm qua, Ðảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Hồ Chí Minh đã đoàn kết, gắn bó, son sắt một lòng, cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng đất nước, giữa Ðảng bộ, nhân dân ba thành phố kết nghĩa đã không ngừng nảy nở những tình cảm tốt đẹp và luôn được các thế hệ trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Triển lãm "Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Truyền thống và Phát triển" với hơn 300 hình ảnh, tài liệu, là một phác họa tiêu biểu cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, truyền thống lịch sử, văn hóa, thành tựu kinh tế, xã hội của ba thành phố.

Triển lãm tổ chức thành 3 chuyên đề lớn, gồm: Hà Nội - Di sản văn hóa, thành tựu kinh tế, xã hội; Thừa Thiên Huế - Di sản văn hóa, thành tựu kinh tế, xã hội; thành phố Hồ Chí Minh - Di sản văn hóa, thành tựu kinh tế, xã hội.

Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân thêm hiểu, thêm yêu những giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, sự phát triển về kinh tế, tình đoàn kết, gắn bó của 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Qua đó nối tiếp truyền thống quý báu "như cây một cội, như con một nhà", đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện, cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khai-mac-trien-lam-ha-noi-hue-sai-gon-truyen-thong-va-phat-trien-212408.html