Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa X
Sáng 11/7, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X tổ chức khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 16 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 nhằm xem xét đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 và thực hiện các nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Tham dự kỳ họp có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, Nguyễn Ngọc Phúc; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Học viện Lục quân; Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội; các ĐBQH của Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cùng đông đủ các đại biểu HĐND tỉnh. Kỳ họp dưới sự điều hành, chủ trì của các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh K’ Mák, Nguyễn Khắc Bình.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh K’ Mák lưu ý: Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm chúng ta không chỉ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức mà còn phải đẩy mạnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu giai đoạn 2021-2026 mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã xác định. Chính vì vậy, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng, chung tay, chung sức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với sự quyết tâm đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt 2,97%, thu ngân sách nhà nước đạt 49% dự toán địa phương, trong đó, thuế phí đạt 47% dự toán địa phương, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11,1%, hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng, tổng lượt khách du lịch đến Lâm Đồng tăng 12,2%, tình hình doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại tăng 10,8% so với cùng kỳ; công tác đầu tư, giải ngân vốn đầu tư, các công trình/dự án trọng điểm, các Chương trình mục tiêu quốc gia, công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, sắp xếp đơn vị hành chính được các cấp, các ngành triển khai thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao…
Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024 là rất đáng khích lệ và trân trọng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Trong tổng số 18 chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024: Có 6/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt tiến độ so với Nghị quyết và tăng so cùng kỳ. Còn 12/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt tiến độ so Nghị quyết. Kinh tế tăng trưởng thấp, giảm 2,1% so với cùng kỳ, lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tăng trưởng chậm, thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, các khoản thuế, phí và lệ phí giảm 11,7% so với cùng kỳ; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tỷ lệ đạt rất thấp (dự kiến đạt 18,1% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 5,2%); việc triển khai thực hiện các dự án/công trình trọng điểm chưa đảm bảo tiến độ; công tác thu hút đầu tư không đạt yêu cầu; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký.
Công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản còn hạn chế; công tác quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong việc chồng lấn các quy hoạch; tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra…
Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình an ninh, trật tự, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, liên quan đến đồng bào DTTS trên một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông, số vụ cháy tăng so với cùng kỳ.
Với những khó khăn, thách thức được nêu thì những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo và trong kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số ngành, địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều hành chung của tỉnh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đó là điểm nghẽn mà chúng ta cần phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và rút ra những bài học kinh nghiệm quý để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng còn lại của năm 2024.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và quyết định nhiều nội dung do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban của HĐND và các cơ quan liên quan báo cáo, trình kỳ họp với nhiều vấn đề quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới với 26 báo cáo và 28 tờ trình dự thảo nghị quyết liên quan đến các nội dung, lĩnh vực quan trọng của địa phương. Vì vậy, Phó Chủ tịch HĐND K’Mák đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ từng nội dung trình kỳ họp để HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Tại kỳ họp, các đại biểu và cử tri đã được nghe đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024. Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2024, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự điều hành của UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng và đạt một số kết quả như: Kinh tế tiếp tục phát triển; hoạt động du lịch tăng trưởng khá; thu ngân sách nhà nước có nhiều nỗ lực, một số khoản thu tăng so với cùng kỳ; tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trong 6 tháng giảm cả về số vụ vi phạm, diện tích và khối lượng lâm sản thiệt hại; các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng, thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được quan tâm thực hiện tốt; kỷ luật, kỷ cương hành chính được duy trì; quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo; trật tự xã hội cơ bản ổn định.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GRDP) (theo giá so sánh 2010) tăng 2,97%, trong đó: khu vực nông lâm thủy tăng 3,13%; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 2%; khu vực dịch vụ tăng 5,05%; cơ cấu kinh tế: ngành nông lâm thủy chiếm 23,76%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 24,61%; ngành dịch vụ chiếm 51,63%; thu ngân sách nhà nước đạt 6.942 tỷ đồng, bằng 49% dự toán địa phương, tăng 3,6% cùng kỳ; khách du lịch đến Lâm Đồng đạt khoảng 5 triệu lượt khách, đạt 52,2% kế hoạch, tăng 12,2% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 478,9 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ, đạt 48,62% kế hoạch… Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 91,45%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,37%... Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 479 triệu USD, tăng 11%. Tính đến ngày 30/6/2024, giải ngân 1.225,8 tỷ đồng, đạt 15,4% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 7,9%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Kinh tế tăng trưởng thấp (ước tăng 2,97%), giảm 2,1% so với cùng kỳ; Công tác thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn (tổng thu ngân sách nhà nước bằng 49% dự toán địa phương; các khoản thuế, phí và lệ phí chỉ đạt 3.755 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, giảm 11% so với cùng kỳ). Giải ngân vốn đầu tư công tỷ lệ đạt rất thấp (dự kiến đạt 15,4% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 7,9%); nhiều dự án chưa giải ngân, đặc biệt là các dự án được bố trí vốn lớn như đường cao tốc, hồ Ta Hoét, hồ Đông Thanh,... Công tác thu hút đầu tư không đạt yêu cầu. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh giảm mạnh so với năm 2022, xếp thứ 46 cả nước, giảm 31 bậc; PCI xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố, giảm 39 bậc.
Công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai còn lỏng lẻo; công tác quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong việc chồng lấn các quy hoạch. Việc triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan hành chính, chính quyền một số địa phương hiệu quả chưa cao; chưa chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các khó khăn, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, quản lý bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai,... Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm; còn một số cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự,… Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến chậm tham mưu hoặc nội dung tham mưu chung chung, không rõ ràng gây trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước còn xảy ra tại một số địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cũng báo cáo kỳ họp về 16 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tập trung trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, tiếp tục bám sát chủ đề năm 2024 của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững” và chủ đề của Tỉnh ủy: “Trách nhiệm - Nêu gương - Kỷ cương - Hiệu quả”, quyết tâm thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã được nghe đồng chí Phạm Triều, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2024; đồng chí Nguyễn Khắc Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương trình Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) của HĐND tỉnh; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri ở địa phương gửi đến Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023) của HĐND tỉnh. Nghe báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh…
Buổi chiều, đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại các Tổ về nhiều nội dung báo cáo, tờ trình dự kiến trình kỳ họp.