Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ hai. Kỳ họp được Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo các yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Các đại biểu dự phiên khai mạc tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự phiên khai mạc tại điểm cầu Ninh Bình.

Dự phiên khai mạc tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Dự khai mạc tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, TVTU, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh.

Trước khi bước vào phiên khai mạc, các vị đại biểu Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn. Nền kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng đang chậm lại và có sự phân hóa rõ rệt giữa các quốc gia, khu vực, chủ yếu do khác biệt mức độ và quy mô bao phủ vắc xin; sự đứt gãy của các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài hơn so với dự báo, sức ép lạm phát và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng.

Ở trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.

Trước những thách thức và chồng chất khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Quốc hội biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; trân trọng, cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: trong thời gian giữa hai kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung làm việc ngày đêm, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan, giúp UBTVQH nhanh nhạy, kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết rất quan trọng, cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 và nhiều chính sách quan trọng, thiết thực để huy động nguồn lực, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng số tiền lên đến gần 100.000 tỷ đồng…

Qua đó, Quốc hội, UBTVQH đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách; bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông báo nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua tại phiên trù bị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đồng thời xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc, tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của các Tổ và Đoàn đại biểu Quốc hội, để nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân và cử tri cả nước.

Sau phát biểu khai mạc, Quốc hội đã nghe các Báo cáo: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (trong đó có công tác phòng, chống COVID-19); Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

*Chiều 20/10, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Sau đó, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Đại biểu Quốc hội Ninh Bình thảo luận tại tổ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình điều hành thảo luận.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tập trung góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi dự án Luật này nhằm đảm bảo đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị cần bổ sung thêm quy định về giai đoạn tạm đình chỉ xét xử vụ án. Riêng về dự kiến tăng thẩm quyền điều tra cho công an xã cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn với quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra.

Liên quan đến việc sửa đổi khoản 1, điều 226 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đại biểu đề xuất chỉ sửa đổi quy định liên quan đến nhãn hiệu mà không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý cho phù hợp với quy định tại hiệp định CPTPP.

Đồng thời cần đổi tên của luật thành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh.

Đại biểu cũng mong muốn Quốc hội nghiên cứu sửa đổi toàn diện Bộ Luật tố tụng hình sự do sau hơn 3 năm thi hành Bộ luật đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Xem trên Youtube

Mai Lan- Thái Học- Đức Lam- Trường Giang - Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khai-mac-trong-the-ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xv/d20211020092436538.htm