Khai mạc VRDF 2019: Nhiều gợi ý cho 'giấc mơ' thịnh vượng

Sáng nay, Diễn đàn Cải cách và phát triển VRDF 2019 với chủ đề 'Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động' đã khai mạc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn

VRDF 2019 có ý nghĩa đặc biệt vì được tổ chức ở thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 dự kiến trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khóa XII) vào tháng 10 tới.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới lại đang ngày càng bất định và khó lường, các tác động tới Việt Nam càng khó dự báo. Việt Nam lại là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu quốc gia với các kịch bản dự báo khó lường, có khả năng mất 2,5% đến 4% GDP. Tuy Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng tốc độ già hóa đang nhanh hơn. Năng suất lao động vẫn thấp…

Vấn đề đặt ra tại VRDF lần này là Việt Nam nên đặt vấn đề phát triển theo hướng nào để phù hợp với xu thế của thế giới cũng như đạt mục tiêu đề ra? Làm thế nào để các vùng trọng điểm và cực tăng trưởng phát triển nhanh nhưng không “bỏ rơi” khu vực miền núi, khu vực khó khăn?...

“Lúc này, bắt buộc Việt Nam phải chọn con đường đi đúng hướng để hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ trước thềm Diễn đàn.

Đề cập đến vấn đề này, TS. David Dollar, nguyên Giám đốc quốc gia WB gợi ý: Phải lấy kinh tế tư nhân nội địa làm xương sống.

Ông cũng lưu ý xu hướng phi toàn cầu hóa mà Mỹ và Anh đang đi nếu tiếp diễn trong tương lai có thể tạo ra những “ổ gà” trên con đường hướng tới thịnh vượng của Việt Nam; và kinh nghiệm thế giới cho thấy hơn một nửa giá trị được tạo ra ở dịch vụ.

“Việt Nam cần mở cửa rộng hơn cho các ngành dịch vụ, từ các ngành truyền thông, ngân hàng, giao thông vận tải…”, ông nói.

TS. Pinelopi Goldberg, Phó Chủ tịch WB thì cho rằng đầu tư vào con người sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển.

“Bên cạnh việc đào tạo kiến thức, nâng cao kỹ năng, Việt Nam nên chú trọng đầu tư giáo dục để nguồn nhân lực có tư duy phản biện và sáng tạo để giúp Việt Nam dịch chuyển lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển…”, TS. Pinelopi Goldberg gợi ý.

GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc thì đưa ra lời khuyên rằng cần tập trung vào việc nâng cao năng lực tiếp thu, sử dụng tốt phát huy tốt những công nghệ thế giới đang có, phân tích và lựa chọn nên làm gì tốt nhất để tập trung phát triển, không nên đầu tư dàn trải, không nên ham nghiên cứu sáng tạo thứ quá mới.

Trong khi đó, bà Marielka Pengestu, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo của Indonesia gợi ý Việt Nam nên phát triển các doanh nghiệp kỳ lân, tập trung đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp…

Trong buổi sáng nay của VRDF, có hai vấn đề trọng tâm lớn được thảo luận, đó là “Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập” và “Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.

Trong các phiên thảo luận này sẽ đưa ra bức tranh toàn diện, sâu sắc hơn về bối cảnh quốc tế mới và các xu hướng lớn toàn cầu trong một, hai thập kỷ tới và ảnh hưởng của chúng tới Việt Nam. Và cùng xác định đâu là động lực tăng trưởng mới của Việt Nam - đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0; và các bước đi, giải pháp nhằm vượt qua các thách thức, nắm bắt thành công các cơ hội phát triển và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới của đất nước.

Phiên toàn thể sẽ bắt đầu từ đầu giờ chiều với chủ đề “Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự cùng thảo luận trực tiếp với các đại biểu tại phiên này với các chủ đề:

Cách thoát bẫy thu nhập trung bình thông qua đổi mới sáng tạo; Tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đạt được năng suất cao hơn; Định hướng phát triển để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là lần thứ 2 VRDF được tổ chức, sau VRDF 2018, và được lên kế hoạch sẽ trở thành diễn đàn thường niên, ít nhất là đến năm 2021.

Chủ để của VRDF năm nay bao trùm hơn lần trước, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường; đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; các ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

VRDF cũng không còn là Diễn đàn riêng cho Việt Nam mà đã là diễn đàn quốc tế. Từ VRDF 2019 này, Việt Nam không chỉ ở vị thế học hỏi các mà Việt Nam hiện ở vị thế chia sẻ kinh nghiệm phát triển với các nước đang phát triển chưa bằng Việt Nam.

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khai-mac-vrdf-2019-nhieu-goi-y-cho-giac-mo-thinh-vuong-92390.html