Khai mở '6 cánh cửa lớn' của TP HCM (*): Cần 'bộ chỉ huy' thực chất

Để khơi thông 6 dự án giao thông mang tính liên kết vùng, nhiều sở, ngành và chuyên gia cho rằng ngoài nguồn vốn được bố trí tốt thì cần bộ máy điều hành đủ mạnh

Trong báo cáo gửi UBND TP HCM về các vướng mắc của những dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm cho biết ngoài những kiến nghị gỡ khó đối với mỗi dự án, sở còn đề xuất UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn nhân sự Hội đồng vùng Đông Nam Bộ.

Nâng chất và tầm hội đồng vùng

Việc kiện toàn bộ máy nhân sự nhằm điều phối tốt hơn, thúc đẩy triển khai những dự án giao thông liên vùng hiệu quả và đúng tiến độ. Điều này góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quy hoạch vùng một cách bền vững.

Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã và đang triển khai nhiều dự án như: Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Trục động lực (đường song song Quốc lộ 50), đường Lê Văn Lương, cầu Cát Lái… Ngoài ra, các địa phương có chung địa giới hành chính thường xuyên chủ động phối hợp nhằm bảo đảm việc kết nối giao thông thông suốt, đồng bộ với quy mô, tiến độ đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện, như: bộ máy của Hội đồng vùng Đông Nam Bộ chưa phải là 1 cấp hành chính theo quy định. Các quyết định, quyết nghị của hội đồng vùng chỉ mang tính chất khuyến nghị, khuyến khích thực hiện. Cơ quan này chưa có đủ công cụ, bộ máy, chưa đủ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền để điều hành. Bên cạnh đó, một số đơn vị được thành lập bởi hội đồng vùng chưa thể vận hành vì cơ chế phối hợp giữa các địa phương và phân định trách nhiệm chưa rõ ràng.

Tán thành việc nâng chất và tầm của hội đồng vùng, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM, nhận định không chỉ có cái danh, hội đồng này phải thật sự đủ quyền lực, đủ người giỏi để thực hiện các dự án trọng điểm.

"Một hội đồng vùng đủ mạnh, đủ quyền lực thì mới phát huy được năng lực, xây dựng được quy chế liên kết vùng cụ thể, hình thành những chính sách huy động vốn để triển khai nhanh chóng, hiệu quả các dự án. Chỗ nào chưa có chính sách thì cho thí điểm, quan trọng nhất vẫn là cơ chế" - ông Trường nhìn nhận.

TP HCM và các địa phương lân cận sẽ phát triển hơn nếu việc kết nối giao thông liên vùng hiệu quả. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM và các địa phương lân cận sẽ phát triển hơn nếu việc kết nối giao thông liên vùng hiệu quả. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Loại bỏ "lợi ích nhóm"

TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý Công nghiệp - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhận xét hội đồng vùng giúp kết nối các tỉnh, thành, quản lý dự án hiệu quả và đồng bộ. Muốn được như vậy, hội đồng vùng phải thật sự mạnh, có quyền quyết định, có nhân sự giỏi, có ngân sách để hoạt động bài bản.

"Trong bối cảnh hiện nay, mỗi dự án liên kết vùng cần có nhạc trưởng, trong đó TP HCM thuận lợi hơn vì các đường vành đai, cao tốc đều đi qua. Nếu lý tưởng thì TP HCM đóng vai trò nhạc trưởng. Nếu là nhạc trưởng thì phải lựa chọn những đơn vị tư vấn nhiều kinh nghiệm, giỏi thật sự để hỗ trợ quá trình triển khai dự án" - TS Dương Như Hùng gợi ý.

Khẳng định tầm quan trọng của những dự án giao thông liên vùng, TS Dương Như Hùng cho rằng khi có những tuyến cao tốc như TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hay nâng công suất các tuyến cao tốc quá tải TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây..., hiệu quả đầu tiên là giảm chi phí logistics, giúp giá cả hàng hóa giảm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Việc đi lại thuận lợi hơn sẽ giúp phân bố lại các khu công nghiệp, khu dân cư, mở ra cơ hội mới cho các tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước, giảm tải cho TP HCM, Bình Dương cũng như thúc đẩy phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vựa nông sản của cả nước.

Vấn đề là triển khai ra sao để bảo đảm chất lượng công trình cũng như tiến độ, kinh phí thực hiện. Thực tế cho thấy nhiều tuyến cao tốc khi xây dựng thường phát sinh các vấn đề như: chất lượng nhà thầu kém, không lường trước những khó khăn về giá cả nguyên vật liệu, chi phí đội lên, thời gian dự án kéo dài; khi phát sinh khó khăn thì thường đổ lỗi nguyên nhân khách quan.

Từ những phân tích trên, theo ông Hùng, để bảo đảm chất lượng cũng như tiến độ các tuyến cao tốc, phải loại bỏ tư tưởng "lợi ích nhóm" khi lựa chọn nhà thầu, tư vấn. Phải chọn tư vấn giỏi, nhiều kinh nghiệm và nhà thầu đủ năng lực, nhân sự. Những dự án lớn sẽ giao cho tổng thầu thực hiện từ khâu thiết kế - thi công đến vận hành. Mô hình như vậy giúp rút ngắn thời gian thi công, chi phí dự án ổn định, hạn chế đội giá do giá nguyên vật liệu tăng hay lãi suất ngân hàng dao động.

Ngoài ra, cần có cơ chế khen - phạt rõ ràng đối với từng địa phương khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Địa phương nào làm tốt, đúng tiến độ thì khen; địa phương nào trễ thì phạt; không nên chỉ phê bình, rút kinh nghiệm.

Bỏ tư duy "không dám làm"

Ở khía cạnh khác, PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP HCM, cho rằng bên cạnh nguồn vốn thì khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng là áp lực không nhỏ với các địa phương có dự án đi qua. Do vậy, song song với việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu về tầm quan trọng của các dự án giao thông trọng điểm thì các cấp trung ương, bộ, ngành cũng cần nhận thức rõ và mạnh dạn hơn khi hỗ trợ địa phương trong việc ban hành các chính sách, đừng quá sợ trách nhiệm mà không dám làm.

Theo ông Hoàng, những dự án liên kết vùng giữa TP HCM với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ rất cấp thiết, lẽ ra phải thực hiện từ lâu. Việc chậm trễ ngoài nguyên nhân chờ cân đối nguồn vốn từ các cấp thì có nguyên nhân thiếu sự quyết liệt giữa các địa phương, bộ, ngành.

"Hơn bao giờ hết, khi Chính phủ đã đồng thuận, việc phát triển các dự án trọng điểm cũng được đưa vào Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, thì các địa phương cần mạnh dạn, quyết tâm, quyết liệt triển khai" - PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng nhấn mạnh.

Theo đề xuất, chủ tịch Hội đồng vùng Đông Nam Bộ là Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là thành viên và mỗi địa phương có 1 thành viên chuyên trách.

Doanh nghiệp vận tải trông chờ

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang đối mặt nhiều khó khăn. Trong đó, việc ùn tắc không chỉ khiến tài xế mệt mỏi mà còn làm chi phí vận chuyển hàng hóa tăng.

Ùn tắc giao thông diễn ra nhiều nơi, giờ cao điểm dễ thấy phương tiện xếp hàng dài trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, đường dẫn vào cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước... Do đó, chủ trương xây dựng các tuyến cao tốc liên vùng rất cần thiết và cấp bách, lẽ ra phải tiến hành từ lâu. "Điều quan trọng bây giờ là quyết liệt, bắt tay làm ngay vì quy hoạch đã có lâu rồi" - ông Quản bày tỏ.

Thủ tướng trực tiếp gỡ khó

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 16-4, TP HCM kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh hỗ trợ, chia sẻ nguồn vật liệu cho Vành đai 3.

Thủ tướng cho biết tại cuộc họp ngày 12-4 đã đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi - Tổ trưởng Tổ Công tác dự án Vành đai 3 trao đổi với các địa phương. "Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, các địa phương nào không làm thì gửi văn bản trực tiếp cho tôi" - Thủ tướng dứt khoát.

Đối với dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM kiến nghị trung ương hỗ trợ 2.900 tỉ đồng để phân bổ việc giải phóng mặt bằng. Thủ tướng cơ bản đồng ý và cho biết đang báo cáo các cấp thẩm quyền quyết định, cụ thể là Bộ Chính trị, Quốc hội.

Với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, UBND TP HCM kiến nghị giao Bộ GTVT là cơ quan chủ quản sớm mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn để đáp ứng nhu cầu đi lại, đồng bộ với các dự án liên vùng. Thủ tướng giao Bộ GTVT làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện đầu tư mở rộng.

Về kiến nghị đẩy nhanh việc mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành, Thủ tướng giao Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam nhanh chóng lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi... Với Vành đai 4, Thủ tướng giao tỉnh Long An làm đầu mối chủ trì dự án.

Nguyễn Phan

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/khai-mo-6-canh-cua-lon-cua-tp-hcm-can-bo-chi-huy-thuc-chat-20230420204140412.htm