Khai mở tiềm năng, thắp lửa nội lực

Tôi gặp lại GS. Phan Văn Trường sau những ngày ông liên tục di chuyển từ Nam ra Bắc để tham gia các buổi nói chuyện trong chương trình mang tên 'Cấy Nền'. Ông cho biết mình mới có một ngày hoàn toàn nghỉ ngơi vì trước đó phải di chuyển quá nhiều. Tôi nhắc lại câu chuyện cũ: 'Nhiều năm trước, ông từng nói rằng gia đình ông rất lo lắng rằng khi về hưu, ông sẽ không còn việc gì để làm. Nhưng nay, sau 20 năm trở về Việt Nam, ông vẫn làm việc đến không có thời gian nghỉ ngơi…'. Ông cười nói: 'Đúng vậy, nay thì gia đình tôi đang lo lắng khi tôi ít khi được nghỉ để cùng đi chơi với gia đình. Nhưng tôi đã nhận công việc 'Cấy Nền' này thì đã biết mình sẽ phải dành nhiều thời gian cho nó đến cuối đời'.

Cấy nền - Hệ sinh thái bình đẳng tích cực.

Cấy nền - Hệ sinh thái bình đẳng tích cực.

Tôi không ngạc nhiên khi GS. Phan Văn Trường tham gia một chương trình phi lợi nhuận nào đó. Bởi trong suốt thời gian ông trở về Việt Nam, ông đã tham gia giảng dạy miễn phí cho rất nhiều khóa học tại rất nhiều trung tâm đào tạo và đại học. Ông không nhận phí, khi bắt buộc phải nhận thì ông chuyển thẳng toàn bộ cho các tổ chức từ thiện. Thế rồi “Cấy Nền” lại không phải là một chương trình phi lợi nhuận đơn thuần, mà là một hệ sinh thái, với mục tiêu “khơi dậy” nội lực lớn mạnh kinh tế và kinh doanh của dân tộc Việt Nam.

Một chương trình không cần người tổ chức

“Cấy Nền”, nhưng với những người đã tham gia những buổi chia sẻ của GS. Phan Văn Trường sẽ ví “Cấy Nền” như một quá trình “thức tỉnh” dài 48 giờ. Nội dung của chương trình là thảo luận và chia sẻ các đề tài về khởi nghiệp, thương thuyết, quản trị, kiến tạo phong cách công dân toàn cầu… với mục đích hướng tới tạo ra một hệ sinh thái kết nối và tương hỗ lẫn nhau giữa các thành viên trên đa dạng các khía cạnh nông nghiệp, du lịch, giáo dục, pháp lý, khởi nghiệp…

Người tham gia không chỉ học được nhiều bài học bổ ích, nhiều triết lý sống chân thật, nhân văn mà còn đưa con người trở về vòng tròn sinh thái, mở ra con đường thành công cho mỗi cá nhân. “Chúng tôi ngồi bên nhau, đặt câu hỏi và học từ trải nghiệm của nhau. Giữa chúng tôi, ai cũng có thể là thầy, khi chia sẻ về những trải nghiệm thành công, thất bại, mình đã trải qua. Đó là kinh nghiệm thực chiến, chứ không phải là lý thuyết giáo điều”, GS. Phan Văn Trường cho biết.

“Vì sao là ‘Cấy Nền’ chứ không phải một cái tên nào khác?” tôi hỏi. “Những người tin vào yếu tố tâm linh sẽ tin rằng mọi thứ về Cấy Nền đều do sự sắp đặt của vũ trụ, ngay cả cái tên, với ý nghĩa Cấy lại Nền tảng cho cả dân tộc”. Cấy Nền không phải là một tổ chức, không phải là một hội, không cần ban lãnh đạo, không có ngân sách nhưng vẫn hoạt động nghiêm túc và hiệu quả từ tháng 5/2019. Hệ sinh thái Cấy Nền đã tổ chức hơn 50 khóa học trải dài khắp các tỉnh thành từ Bắc đến Nam. Cấy Nền ra đời sau một buổi study tour được tổ chức ở Vũng Tàu cách đây 2 năm. Sau khóa Cấy Nền đầu tiên, các khóa tiếp theo đã được diễn ra ở khắp nơi trên cả nước do các bạn tham gia tự khởi xướng.

Chẳng hạn chị Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, muốn tổ chức sự kiện này ở Hà Nội; chị Nguyễn Thu Hồng, CEO của Chả cá Kamaboco muốn tổ chức sự kiện ở Nha Trang; anh Cao Đức Thái, người sáng lập dự án Sách và Hành Động thì xin tổ chức sự kiện ở Ninh Bình…

“Các bạn muốn tổ chức sao cũng được, có khi chỉ trải chiếu trên bãi biển, dưới gốc cây đa, hoặc là tham gia trong một không gian chuyên tổ chức sự kiện chuyên nghiệp. Người tham gia luôn chỉ trả chi phí rất nhỏ cho việc đi lại, ăn ở của mình, không phải trả học phí hay giáo án. Bản thân thầy cũng tự trả các chi phí đi lại và không lấy phí cho bài giảng hay phần chia sẻ của mình, đơn giản vì được cho đi là một vinh dự và một hứng thú. Mình cho đi mà hữu ích cho người khác thì cũng đủ thấy hân hoan rồi”.

Sau quá trình học trực tiếp là quá trình tự học, cộng đồng nay đã hơn 5.000 thành viên sẽ tiếp tục kết nối, hỗ trợ nhau hoặc trở thành đối tác với nhau trong một sự hội tụ ngẫu nhiên: Cấy Nền giao thương, Cấy Nền giáo dục, Cấy Nền tươi trẻ (trung học phổ thông, đại học), Cấy Nền cánh chim cuối đàn (từ thiện, giúp cá nhân khó khăn về kinh tế), Cấy Nền farm-stay, Cấy Nền pháp lý, Cấy Nền tâm linh, Cấy Nền gia đình/phụ nữ…

Một buổi nói chuyện của GS Phan Văn Trường

Một buổi nói chuyện của GS Phan Văn Trường

Cuối cùng, Cấy Nền hướng đến mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. “Chẳng hạn như tạo một hệ sinh thái “Sen Việt Nam” cùng phát triển và nâng giá trị. Hiện nay, hoa sen của Đồng Tháp đang cạnh tranh với sen Huế, trong khi đây là hai loại sen khác nhau, màu sắc và khu vực địa lý không giống nhau. Nếu đặt sen trong một hệ sinh thái, thì sen miền Tây và sen miền Trung sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh, giúp đất nước phát triển, cấu trúc ngành giao thương toàn diện”, GS. Phan Văn Trường giải thích.

Tại sao là hệ sinh thái? “Hệ sinh thái là nơi tất cả các yếu tố tồn tại và phát triển đều có mối liên hệ với nhau. Tất cả các sự vật trong hệ sinh thái đều mang năng lượng và có khả năng truyền năng lượng cho sinh vật khác, nó bổ sung, tương hỗ lẫn nhau và tạo thế cân bằng trù phú cho thế giới”. Tại sao việc kinh doanh sẽ tốt hơn khi tồn tại trong một hệ sinh thái? Bởi vì khi kinh doanh, bạn không chỉ chăm chăm vào khách hàng. Khách hàng là người nuôi sống doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp muốn tồn tại thì còn phải có sự đồng hành của chính quyền, ngân hàng, luật sư, đơn vị vận tải, nhà cung cấp… Nếu tạo được một hệ sinh thái thuận lợi sẽ dễ thành công hơn, và nhất là hạnh phúc và đoàn kết hơn”, GS. Phan Văn Trường nói.

Nội lực của Việt Nam ở đâu?

“Nếu giả định cho vui, Việt Nam bị khóa biên giới, thì liệu quốc gia có còn trường tồn?”. Đây là câu hỏi được giáo sư Phan Văn Trường đặt ra trong các buổi học vui Cấy Nền. Và câu trả lời là “có”. Đây là một ân huệ mà hệ sinh thái vũ trụ đã tặng cho chúng ta. Ít quốc gia có được ân huệ này.

Theo GS. Phan Văn Trường, thì có những thống kê của Liên hiệp quốc cho thấy người Việt là dân tộc hiếm hoi thành công ngay từ thế hệ đầu sau khi di cư (hơn cả người Hoa chỉ thành công ở thế hệ 3). Các yếu tố quan trọng cho điều này là: khả năng thích ứng, hòa nhập và tiếp nhận cái mới, dù vẫn có xu hướng sống quần tụ thành những cộng đồng. Ngoài ra, người Việt có nhu cầu vươn lên dựa vào học vấn. “Tư chất người Việt” là thứ luôn được các cộng đồng khác đánh giá cao ở nước ngoài. Ở trong nước, nội lực đó đến từ tinh thần tương thân tương ái, đến từ tính hài hước có sẵn trong huyết quản (rất ít dân tộc có được cá tính này) và niềm lạc quan, thể hiện rõ nhất qua mùa đại dịch. Ngoài ra, nội lực của người Việt chính là khả năng sáng tạo vô cùng phong phú. Chính óc sáng tạo là động lực biến đổi thế giới, cho phép khởi nghiệp, đem lại giá trị gia tăng thật cho mọi hoạt động. Tất cả những yếu tố này làm nên nội lực của từng cá nhân.

Cấy Nền ra đời nhằm “khai phá” nguồn nội lực hiện tại thành nguồn vốn của bản thân mình, từ việc thắp lửa các kỹ năng, là kiến thức, trải nghiệm, các mối quan hệ cá nhân, cũng như nền tảng tinh thần. Nội lực mới thực sự là sức mạnh để chính bản thân vượt qua khó khăn, kết hợp hài hòa với yếu tố ngoại lực mới có thể nhân lên sức mạnh.

Từ nội lực của từng cá nhân mới có thể biến thành nội lực của quốc gia. Vì sự thịnh vượng của một quốc gia đến từ những nội lực mạnh mẽ của từng con người, vì họ làm chủ kiến thức, kỹ năng, công nghệ, có vậy mới đủ tự lực tự cường được.

Việt Nam còn là có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú. Không nói quá khi cho rằng Việt Nam có “rừng vàng, biển bạc” vì số đông quốc gia không có bờ biển dài và rừng xanh bao phủ. Trên thế giới, không có nhiều quốc gia có bãi biển trải dài theo duyên hải như Việt Nam. Vì vậy, muốn tận dụng tất cả các năng lực thiên nhiên sẵn có, thì không gì khác hơn là phải phát triển con người và hệ sinh thái trong đó con người là chủ thể, sử dụng thiên nhiên và nội lực đất nước một cách bền vững.

Tuy nhiên, theo GS. Phan Văn Trường, nội lực của Việt Nam không phải là ngành công nghiệp như chúng ta đang hướng đến, nếu có cũng chỉ có công nghiệp chế biến để tăng giá trị cho những sản vật địa phương.

“Rất nhiều dân tộc đi vào lỗi lầm theo những mô hình phát triển không phù hợp với dân tộc của họ, đến đỗi làm ô nhiễm cả sông ngòi, rừng núi của họ cho nhiều thế hệ sau. Biết sai mà rồi vẫn ngoan cố. Đô thị của họ mịt mùng. Hơi thở của họ chỉ toàn khói đen. Cơm của họ chỉ toàn hóa chất.

Câu chuyện của “quốc gia khởi nghiệp” Israel cho chúng ta những bài học quý về phát huy thế mạnh nông nghiệp. Canh nông, đối với dân tộc Việt, là một kho tàng vô tận. Chính người hàng xóm Thái cũng hiểu điều đó, để biến mình thành một nước với đất phì nhiêu và nông dân quá tài ba”, GS. Phan Văn Trường trăn trở.

Tương lai của Việt Nam là du lịch và nông nghiệp. Chúng ta hãy tận dụng thiên nhiên tuyệt vời của biển xanh cát trắng. Không có nước nào có nhiều địa phương có nhiều đặc sản đến thế, đất Việt còn là vô địch thế giới về thảo dược, những vùng đất đồng bằng tuyệt đẹp. Để dân tộc mình không cần phải đi làm thuê. Đó cũng chính là tương lai mà Cấy Nền đang ra sức khơi dậy và phát huy trong những năm qua và trong tương lai, để Việt Nam luôn là một quốc gia có sức mạnh bền vững và tự tin trước thế giới.

Xuân Lộc

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/khai-mo-tiem-nang-thap-lua-noi-luc-1612501272850.htm