Khai phá, mở rộng hợp tác quốc tế cho các địa phương

Sáng 18/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề 'Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của các địa phương'.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Bên lề Hội nghị, các đại biểu đã có những trao đổi với báo chí về những giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Tăng cường mở rộng kết nối các địa phương với các đối tác quốc tế

Theo Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu, công tác ngoại vụ địa phương năm 2023 có 3 điểm mới. Đó là, ngoài các đối tác truyền thống như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.., hoạt động ngoại vụ địa phương còn mở rộng thêm các đối tác mới. Tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội nghị gặp gỡ Thái Lan tại tỉnh Quảng Trị và dự kiến sắp tới sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ Indonesia tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Điểm mới thứ hai, Bộ Ngoại giao đã đưa các nội dung mới vào các chương trình gặp gỡ. Đó là những xu thế kinh tế mới, những chiến lược và chính sách mới của Chính phủ như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững và đặc biệt là các công tác liên quan đến triển khai những nội dung mới của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương thế hệ mới.

Điểm mới thứ ba của công tác ngoại vụ địa phương thời gian qua đó là việc Bộ Ngoại giao cùng các địa phương tìm tòi, triển khai các hình thức mới trong công tác tổ chức các sự kiện kết nối quốc tế tại các địa phương. Tuy tổ chức tại địa phương nhưng các sự kiện này mang tính chất liên kết vùng, phù hợp với các quy hoạch vùng của Đảng, Nhà nước thời gian qua.

Đề cập đến những điểm nhấn của công tác ngoại vụ địa phương trong thời gian tới nhằm tăng cường kết nối các doanh nghiệp ở nước ngoài với các địa phương, ông Nguyễn Như Hiếu cho biết, thời gian tới, ưu tiên trọng tâm của Bộ Ngoại giao là tăng cường khai phá, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư nước ngoài cho các tỉnh, thành phố.

“Chúng tôi đề nghị các tỉnh, thành phố tìm, đề xuất các sản phẩm có thế mạnh, có đặc trưng để từ đó tăng cường kết nối với các đối tác quốc tế thông qua hệ thống các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án 'Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030'. Ngành công nghiệp Halal là hứa hẹn mở ra những bước phát triển mới cho các địa phương tới các thị trường khu vực Trung Đông, châu Phi. Đó là ngành công nghiệp mà chúng ta còn nhiều dư địa để phát triển, có tính chất kết nối quốc tế cao”, ông Nguyễn Như Hiếu chia sẻ.

Ưu tiên thứ hai đó là sử dụng những giá trị văn hóa, những giá trị được UNESCO công nhận để từ đó khai phá các tiềm năng, thế mạnh du lịch, đưa nhiều khách quốc tế hơn đến các địa phương. Ưu tiên thứ ba, theo Cục trưởng Cục Ngoại vụ, đó là ngoài những lĩnh vực truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, du lịch, Bộ Ngoại giao hy vọng những kết nối quốc tế còn mang đến những sản phẩm mang tính chất đối ngoại nhân dân để đưa ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam và tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

“Chúng tôi có rất nhiều kỳ vọng trong công tác ngoại vụ địa phương năm tới, song kỳ vọng lớn nhất là ngày càng mở rộng được nhiều mối quan hệ quốc tế của các địa phương. Các đối tác quốc tế ở đây không chỉ là các hợp tác cấp độ địa phương giữa Việt Nam với các quốc gia, mà còn là các đối tác hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn lớn của nước ngoài, đặc biệt là tập đoàn đa quốc gia; tổ chức phi Chính phủ sẵn sàng tham gia hỗ trợ công tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các đối tác quốc tế; đội ngũ phóng viên báo chí quốc tế đến thăm, đưa tin, quảng bá cho hình ảnh các di sản văn hóa, các đặc trưng, thế mạnh và truyền thống văn hóa, con người của các địa phương”, ông Nguyễn Như Hiếu cho hay.

Tranh thủ nguồn lực kiều bào phục vụ quảng bá, phát triển địa phương

Là Đại sứ tại Hoa Kỳ, địa bàn có đông kiều bào nhất, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng các địa phương cần dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, nhiều kiều bào ở Hoa Kỳ mong muốn được đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, coi trọng việc trong nước lắng nghe, xem xét những ý tưởng của kiều bào.

“Tôi sẽ đề nghị với các địa phương coi trọng việc lắng nghe ý kiến, ý tưởng phát triển địa phương của kiều bào. Các đoàn công tác của các địa phương trong các chuyến đi công tác nước ngoài nên quan tâm đến kiều bào; đến gặp gỡ, kết nối với họ. Đặc biệt, địa phương nào cũng có kiều bào ra đi từ địa phương của mình. Các kiều bào khi nghĩ về đầu tư trong nước, việc đầu tiên là nghĩ đến quê hương, địa phương của mình”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, nếu các địa phương biết kết hợp và trọng dụng nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài sẽ có tác dụng rất lớn đến quảng bá, phát triển địa phương. Các địa phương có thể cử đại diện của mình ở nước ngoài là kiều bào. Đây là cách làm rất hiệu quả.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ sẵn sàng là cầu nối, hỗ trợ các địa phương kết nối với bà con kiều bào, đồng thời mong muốn các địa phương cộng tác, đưa ra những đề xuất cụ thể để Đại sứ quán kết nối, huy động nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển đất nước, địa phương trong nước một cách hiệu quả.

Kết nối mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm địa phương ra quốc tế

Là địa phương địa đầu Tổ quốc có đường biên giới dài và nhiều cặp cửa khẩu với nước bạn, đồng thời sở hữu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long chia sẻ, trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm, coi trọng công tác ngoại vụ, quảng bá, kết nối, mời gọi các đối tác quốc tế, du khách nước ngoài đến tham quan, đầu tư.

Trong các hoạt động đó, ông Hoàng Gia Long cho biết, Hà Giang đã nhận được và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ chặt chẽ từ Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng thị trường quốc tế, tiếp thị quảng bá các sản phẩm kinh tế có thế mạnh của tỉnh như du lịch, sản phẩm OCOP.

“Chúng tôi cần có thị trường rộng hơn. Không chỉ là những thị trường truyền thống như Trung Quốc, cùng với đó là quảng bá thương mại đối với các địa điểm du lịch của Hà Giang và các hoạt động xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, phát triển. Hà Giang cũng có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng tôi rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các bộ, ban, ngành Trung ương trong việc giải quyết vấn đề tạo sinh kế cho người dân địa phương bên cạnh bảo tồn, phát huy đúng cách, có hiệu quả giá trị của Cao nguyên đá. Đây những vấn đề tỉnh rất cần đến vai trò của Bộ Ngoại giao", ông Hoàng Gia Long cho hay.

Chia sẻ thêm về phát triển du lịch của tỉnh nói chung, Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng, ông Hoàng Gia Long cho biết, thời gian qua, Hà Giang đã đón một số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm và thưởng ngoạn cảnh đẹp ở địa phương. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Gia Long, hiện du lịch Hà Giang vẫn đang thiếu hụt nguồn khách du lịch có chi tiêu cao và các hoạt động lưu trú, chương trình du lịch còn đơn giản, chưa có sự hấp dẫn. Do đó, Hà Giang rất mong muốn có sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có ngành Ngoại giao, để giúp tỉnh xây dựng các chương trình phát triển du lịch tốt hơn, có sức hấp dẫn với du khách, nhà đầu tư quốc tế.

Việt Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/khai-pha-mo-rong-hop-tac-quoc-te-cho-cac-dia-phuong-20231218171003822.htm