Khai quật khảo cổ phải kết hợp với bảo tồn di tích bãi cọc chiến thắng Bạch Đằng

Liên quan đến kiến nghị về việc giữ gìn di tích bãi cọc chiến thắng Bạch Đằng tại Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản chính thức. Trong đó, Bộ khẳng định, việc khai quật khảo cổ cần thực hiện trong tổng thể với phương án bảo tồn di tích, di vật khảo cổ nhằm phát huy giá trị các di tích sau khai quật.

Trước đó, tại Công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020 của Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Việc phát lộ bãi cọc chiến thắng Bạch Đằng ở Cao Quỳ, xã Liên Khê và Đầm Thượng, xã Lại Xuân huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã mang lại ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn.

Để giữ gìn di tích bãi cọc, giáo dục truyền thống đấu tranh của dân tộc, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ Hải Phòng xây dựng quy hoạch, giữ gìn, bảo tồn các giá trị lịch sử này, tránh việc đã phát lộ rồi lại bỏ đấy gây hư hỏng, không giữ gìn được các giá trị lịch sử, văn hóa.

Bãi cọc Cao Quỳ, Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: CTV

Bãi cọc Cao Quỳ, Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: CTV

Trong văn bản trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Với địa điểm Cao Quỳ (xã Liên Khê), ngày 22/11/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4137/BVHTTDLDSVH cho phép Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ.

Ngày 13/3/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ban hành Quyết định số 851/BVHTTDL-DSVH cho phép Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ lần thứ 2 tại cánh đồng Cao Quỳ.

Với địa điểm Đầm Thượng (xã Lại Xuân), ngày 18/2/2020, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 256/QĐ-UBND cho phép Viện Khảo cổ học chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên khai quật khảo cổ khẩn cấp tại khu vực thôn 11, xã Lại Xuân. Từ kết quả khai quật, qua báo cáo sơ bộ, các nhà khảo cổ bước đầu cho rằng di tích Bãi cọc Cao Quỳ và Bãi cọc Đầm Thượng là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Các nhà khảo cổ cũng đã đồng thời kiến nghị: Diện tích khai quật không lớn đối với loại hình di tích chiến trường, nhiều vấn đề về quy mô, cấu trúc, kỹ thuật đóng/chôn cọc chưa được làm sáng tỏ…

Trong thời gian tới, cần tiếp tục khảo sát và xây dựng kế hoạch khai quật mở rộng, nghiên cứu tổng thể ở đây. Cần mở rộng điều tra khảo sát ra những khu vực xung quanh để có cái nhìn đầy đủ hơn về địa hình cảnh quan môi trường cổ, diễn trình phát hiện của vùng đất này. Vì vậy, trước mắt cần tập trung bảo tồn, bảo quản tại chỗ các di tích khảo cổ, kết hợp tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng cho người dân trong việc bảo tồn di tích.

Đồng thời, cần tiếp tục khảo sát và xây dựng kế hoạch khai quật, có chương trình nghiên cứu tổng thể theo các hướng nghiên cứu liên ngành về địa chất, địa mạo và môi trường, lịch sử môi trường cổ, sử liệu địa phương, truyền thuyết dân gian… để làm rõ hơn quy mô, cấu trúc, công năng đối với các di tích, di chỉ đã được phát hiện, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp khả thi, phù hợp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích này trong thời gian tới.

Việc khai quật khảo cổ cần thực hiện trong tổng thể với phương án bảo tồn di tích, di vật khảo cổ nhằm phát huy giá trị các di tích sau khai quật.

N.H

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/khai-quat-khao-co-phai-ket-hop-voi-bao-ton-di-tich-bai-coc-chien-thang-bach-dang-610289/