Khai quật mộ cổ chứa ngàn báu vật, sững sờ thấy hài cốt 21 mỹ nhân cạnh cỗ quan tài kỳ dị
Bên cạnh hơn 15.000 cổ vật, trong đó có nhiều bảo vật quốc gia đã được khai quật từ mộ cổ khổng lồ này, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy 21 hài cốt của các cô gái trẻ, tuổi từ 13-26 bị chôn cùng chủ nhân của lăng mộ.
Chiếc quan tài kỳ dị của vị quân chủ Tăng quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc cổ đại nặng tới 7 tấn.
Theo KK News, trong Bảo tàng Hồ Bắc (Trung Quốc) có một bảo vật cấp quốc gia vô giá đó là bộ chuông đồng hoàn chỉnh nhất và lớn nhất được phát hiện cho đến nay mang tên Tăng Hầu Ất.
Bộ chuông này được khai quật từ lăng mộ cổ thời Xuân Thu-Chiến Quốc của Tăng Hầu Ất (477 TCN - 433 TCN) còn có tên là Cơ Ất, một vị quân chủ của nước Tăng - chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.
Năm 1978, bộ đội địa phương trong lúc phá núi để mở rộng một nhà máy ở khu vực Lôi Cổ Ôn, thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc đã tình cờ phát hiện một ngôi mộ cổ khổng lồ.
Sau đó, để mở được lăng mộ, các nhà khảo cổ đã phải dốc hết sức lực, đầu tiên là phải nhấc 47 phiến đá khổng lồ ngăn cách mộ cổ này với thế giới bên ngoài, sau đó đào qua một lớp than củi dày. Đây là cách để người xưa ngăn chặn những tên trộm mộ đến đào bới tìm báu vật trong mộ cổ.
Cuối cùng, sau khi khai quật, lăng mộ cổ được xác định rộng tới 220m2 và chứa đầy nước. Điều khiến các nhà khảo cổ "chết lặng" là trong lăng mộ cổ có tới 21 cỗ quan tài nổi lên mặt nước. Sau khi hút hết nước trong lăng mộ, các nhà khảo cổ chết lặng khi phát hiện có hài cốt của 21 người con gái, trong đó người trẻ nhất mới 13 tuổi, người lớn nhất khoảng 26 tuổi nằm bên cạnh cỗ quan tài của chủ nhân mộ cổ - Tăng Hầu Ất.
Những người con gái này là ai? Vì sao lại chôn họ chung trong lăng mộ của vị quân chủ Tăng quốc? Đó là những câu hỏi lớn đối với đoàn khảo cổ.
Sau khi khám nghiệm hài cốt, các nhà nghiên cứu cho biết, xương cốt của các cô gái không có vấn đề gì ngoài sự thoái hóa của xương bàn chân.
Điều này khiến các nhà nghiên cứu suy đoán rằng, các cô gái này thực tế là vũ công trong hoàng cung, sau khi Tăng Hầu Ất chết, họ đã phải gánh chịu số phận thê thảm khi bị giết để chôn cùng với chủ nhân. Đây là hủ tục tùy táng đáng sợ trong lịch sử Trung Quốc cổ đại mà mãi đến triều nhà Thanh (vua Khang Hy) mới bãi bỏ và cấm thực hiện.
Trên thực tế, sau khi khai quật xong 21 cỗ quan tài nổi trên mặt nước, đoàn khảo cổ sững sờ phát hiện trong ngôi mộ cổ có chiếc quan tài khổng lồ, chìm sâu dưới nước nặng tới 7 tấn. Để đưa được cỗ quan tài được cho là nặng nhất từng được khai quật từ trước đến nay, các chuyên gia đã phải huy động cần cẩu giúp sức.
Chiếc quan tài được xác định có niên đại 2.400 năm, là chiếc quan tài cổ nặng nhất từng được tìm thấy trên thế giới.
Có một cánh cửa nhỏ ở một mặt bên của quan tài, được cho là nơi để linh hồn của Tăng Hầu Ất ra vào.
Ngoài ra, tổng cộng các nhà khảo cổ khai quật được tới hơn 15.000 cổ vật, trong đó có 6.239 đồ đồng, ngoài ra còn có đồ gỗ sơn mài, đồ bằng vàng và ngọc, vũ khí, xe ngựa, đồ gốm...
Bộ chuông đồng trong lăng mộ Tăng Hầu Ất được đánh giá là bộ chuông đồng hoàn chỉnh nhất, lớn nhất từng được tìm thấy cho đến nay, có thể coi là đỉnh cao của nhạc cụ đồng thời Chiến Quốc và được mệnh danh là “báu vật của quốc gia". Các báu vật vô giá khác bao gồm ngọc bội long phượng 16 chi tiết, hạc đứng sừng nai bằng đồng...
Quả thực, việc khai quật được một số lượng lớn các di vật văn hóa quý giá trong lăng mộ Tăng Hầu Ất đã khiến các các chuyên gia choáng váng. Nhưng họ cũng phẫn nộ trước việc 21 thiếu nữ trẻ bị chôn theo chủ nhân ngôi mộ cổ.