Khai thác 'đa giá trị' trên ruộng bậc thang

Hăng hái làm ruộng bậc thang để định canh, định cư lâu dài theo lời huấn thị của Bác Hồ, người dân thị xã Sa Pa không ngừng lao động, sáng tạo nhằm khai thác 'đa giá trị' trên những thửa ruộng bậc thang.

Gia đình ông Giàng A Minh, thôn Lao Hàng Chải, xã Hoàng Liên đang tất bật thu hoạch lúa mùa. Vụ này, gia đình ông thu hoạch được hơn 50 bao thóc, mỗi bao 60 kg. Ông Minh cho biết: Khu ruộng của gia đình được khai phá từ 50 năm trước, tôi không đếm nhưng có lẽ phải hàng trăm thửa vì có thửa lớn, có thửa nhỏ cấy được vài chục khóm lúa, thu hoạch được vài cân thóc. Hiện toàn bộ khu ruộng của gia đình nằm trong khu vực bảo vệ danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Sa Pa. Không thể khai phá, mở thêm ruộng, tôi tìm cách chuyển đổi cây trồng, tăng vụ, kết hợp với làm du lịch để nâng cao giá trị. Kết thúc vụ gặt, tôi dự kiến làm đất trồng rau và khoai tây vụ đông.

 Ruộng bậc thang mang về những mùa vàng bội thu cho nông dân.

Ruộng bậc thang mang về những mùa vàng bội thu cho nông dân.

Dẫn chúng tôi xem nhà kho chất đầy thóc, ông Lồ A Lẩu, Trưởng thôn Lồ Lao Chải, xã Hoàng Liên “bật mí”: Năm nay, gia đình thu hoạch được 60 bao thóc. Những bao thóc được thu hoạch từ khu ruộng gia đình khai phá trong phong trào làm ruộng bậc thang theo lời huấn thị của Bác Hồ khi Người thăm tỉnh Lào Cai năm 1958. Nếu không có lời huấn thị của Bác cùng phần thưởng là 17 chiếc Huy hiệu Bác Hồ (do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mang theo khi đến thăm địa phương năm 1963) để xã làm giải thưởng cho những xã viên có thành tích xuất sắc trong khai phá ruộng bậc thang thì khó có di sản ruộng bậc thang của thung lũng Mường Hoa ngày nay.

Ông Lẩu cho biết: Những người già trong thôn kể lại, mặc dù khó khăn nhưng phong trào làm ruộng bậc thang ở nơi đây diễn ra sôi động từ sau năm 1963 đến những năm đầu đổi mới, vì ai cũng muốn giành được phần thưởng là chiếc Huy hiệu Bác Hồ. Biến vinh dự thành động lực, những dòng họ Lồ, Giàng, Lý, Thào, Hạng, Vàng… thi đua, mở rộng diện tích, tích cực trồng cấy trên ruộng bậc thang, năng suất, sản lượng lương thực nhờ đó được tăng theo từng năm. Sau đó, ở thôn Lồ Lao Chải hầu như không có hộ nào thiếu lương thực.

“Các gia đình dòng họ Lồ đều có rất nhiều ruộng nhờ tích cực hưởng ứng phong trào làm ruộng bậc thang. Ngoài gia đình tôi, gia đình các ông Lồ A Vảng, Lồ A Tráng, Lồ A Chư… đều có nhiều ruộng, mỗi vụ thu hoạch 60 - 70 bao thóc. Các hộ còn tích cực trồng cây vụ đông. Ruộng bậc thang giúp thu hút du khách, phát triển du lịch - dịch vụ trong khu vực, đem đến nguồn thu cho người dân” - ông Lẩu tự hào chia sẻ.

2 năm gần đây, nhiều hộ trên địa bàn xã Hoàng Liên và các xã dọc thung lũng Mường Hoa đã tìm nhiều cách để chuyển đổi cây trồng, tăng vụ, kết hợp nông nghiệp với du lịch để nâng cao giá trị trên những thửa ruộng bậc thang. Một trong những mô hình nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều người biết đến là mô hình trồng cải dầu làm điểm chụp ảnh, kết hợp cho thuê trang phục ở xã Hoàng Liên.

Tham gia mô hình từ những ngày đầu tiên, Lồ A Minh, thôn Lồ Lao Chải cho biết: Mô hình trồng cải dầu kết hợp cho thuê trang phục mang lại lợi ích kép trên ruộng bậc thang. Người dân vừa có lợi ích từ việc thu phí chụp ảnh, cho thuê trang phục; vừa có thu nhập từ việc bán mầm rau cải, bán hạt cải cho các cơ sở ép dầu. Mỗi ha trồng cải dầu có thể mang lại nguồn thu từ 30 - 40 triệu đồng/vụ (3 tháng) cho nông dân. Năm nay, chúng tôi tiếp tục trồng cải dầu và một số loại hoa khác để thu hút khách du lịch.

 Mô hình homestay gắn với ruộng bậc thang Sa Pa thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm.

Mô hình homestay gắn với ruộng bậc thang Sa Pa thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm.

Không chỉ tại xã Hoàng Liên, nông dân nhiều địa phương khác dọc thung lũng Mường Hoa như các xã: Tả Van, Mường Hoa, Bản Hồ… cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ, kết hợp nông nghiệp với du lịch để nâng cao giá trị cho di sản ruộng bậc thang.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Thị xã hiện chỉ có 49/3.600 ha lúa sử dụng giống lúa địa phương, diện tích còn lại đều sử dụng các giống mới, giống chất lượng cao nên năng suất, chất lượng đạt cao. Tổng sản lượng lúa hằng năm của thị xã đạt trên 18.000 tấn. Bên cạnh cấy lúa, thị xã tăng cường chỉ đạo khai thác ruộng bậc thang theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tăng vụ, kết hợp nông nghiệp với du lịch.

Vâng lời huấn thị của Bác Hồ, nông dân thị xã Sa Pa đã hăng hái làm ruộng bậc thang, định cư lâu dài dọc thung lũng Mường Hoa. Họ luôn tự hào vì ruộng bậc thang được nhiều tạp chí du lịch danh giá trên thế giới đánh giá cao, vì khu ruộng được công nhận là di sản, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Ngày nay, nông dân dọc thung lũng Mường Hoa không chỉ nghĩ đến việc trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, mà còn tích cực phát triển các mô hình sản xuất, kết hợp nông nghiệp với du lịch để khai thác “đa giá trị”, hướng tới làm giàu trên những thửa ruộng bậc thang di sản.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khai-thac-da-gia-tri-tren-ruong-bac-thang-post373910.html