Khai thác dư địa xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong thời kỳ mới
Hợp tác thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức trong bối cảnh chuyển giao quyền lực tại Hoa Kỳ.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Chính sách mới của Hoa Kỳ: Những tác động đến thương mại và đầu tư” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam và Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức ngày 8/1.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC thông tin, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dự ước đạt hơn 132 tỷ USD. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3%.
Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học.
Về đầu tư, tính đến tháng 11/2024, Hoa Kỳ có hơn 1.400 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt gần 12 tỷ USD. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ là nhà đầu tư đứng thứ ba trong tổng số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn thành phố, với hơn 1,55 tỷ USD.
“Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu. Song song đó, Việt Nam cũng đang thu hút và tiếp nhận dòng vốn đầu tư công nghệ cao từ Hoa Kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực như vi mạch, bán dẫn, nhằm bắt nhịp với kỷ nguyên khoa học - công nghệ trên thế giới. Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ, trong khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đóng góp lớn vào quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế Việt Nam”, bà Cao Thị Phi Vân nhấn mạnh.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, Hoa Kỳ là thị trường còn nhiều tiềm năng với quy mô dân số trên 332 triệu người, thu nhập bình quân đầu người cao. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, trong nhiệm kỳ 2 Tổng thống Donald được dự báo nhiều chính sách kinh tế và đối ngoại được điều chỉnh sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu và hợp tác thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
“Để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp trong nước nên phối hợp với nhà nhập khẩu, phân phối tại Hoa Kỳ nghiên cứu phương thức thanh toán linh hoạt, hỗ trợ chia sẻ rủi ro, nhất là giai đoạn đầu tiếp cận thị trường. Với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, doanh nghiệp nên cân nhắcliên kết, đầu tư kho lạnh để lập trung tâm phân phối hàng Việt Nam tại các cảng với quy mô đủ lớn, phục vụ nhiều nhóm hàng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí, tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường”, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị.
Phân tích về bối cảnh hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ 2 Tổng thống Donald Trump, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Indiana (Hoa Kỳ), thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam cho rằng, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng hàng hóa của Hoa Kỳ. Do đó, những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có tác động đến Việt Nam, bao gồm cả cơ hội và thách thức.
Theo đó, Việt Nam còn dư địa, lợi thế gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đồng thời, Việt Nam cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng là thị trường có tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cao, biện pháp phòng vệ thương ngày càng gắt gao. Doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng cải thiện chất lượng sản thông qua đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cũng như minh bạch thông tin mới có thể tận dụng được cơ hội.
Trong khi đó, ông Kevin Morgan, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam đặc biệt lưu ý, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây đã đưa Việt Nam vào top những quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Ước tính, mức độ thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam đã lên đến 102 tỷ USD, điều này tiềm ẩn rủi ro với mục tiêu “thương mại công bằng - cân bằng” mà Tổng thống Donald Trump hướng tới. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị nhiều phương án khác nhau để thích ứng với việc thay đổi chính sách thương mại, thuế quan nhập khẩu từ chính phủ Hoa Kỳ. Trong số đó ưu tiên các hợp tác trao đổi thương mại hai chiều, góp phần giảm bớt sự chênh lệch trong cán cân thương mại, hướng tới hài hòa lợi ích lâu dài cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ.