Khai thác du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch với tốc độ cao đã tạo sức ép rất lớn đến việc bảo vệ môi trường tại nhiều điểm, khu du lịch trên cả nước. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho khách du lịch ít quay trở lại Việt Nam.

Sinh viên Trường đại học Ðông Á thu gom rác tại khu vực cảng Tiên Sa (TP Ðà Nẵng). Ảnh: HOÀI THU

Sinh viên Trường đại học Ðông Á thu gom rác tại khu vực cảng Tiên Sa (TP Ðà Nẵng). Ảnh: HOÀI THU

Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua lượng khách du lịch ở nước ta luôn duy trì được mức tăng trưởng ở hai con số, cụ thể: khách du lịch quốc tế tăng gấp 1,7 lần từ sáu triệu lượt người (năm 2011), lên 10 triệu lượt người (năm 2016); khách du lịch nội địa tăng hơn gấp hai lần từ 30 triệu (năm 2011) lên 62 triệu lượt người (năm 2016). Riêng trong năm 2017, cả nước đón hơn 13 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp thứ sáu trong danh sách các quốc gia tăng trưởng du lịch mạnh nhất năm 2017. Nhờ sự phát triển nhanh và bền vững, ngành du lịch Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do việc phát triển du lịch tốc độ cao trong những năm gần đây đã tạo sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn. Cùng với sự gia tăng về lượng khách, thì các chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh trên phạm vi toàn quốc, nhất là ở các vùng trọng điểm phát triển du lịch; đa dạng sinh học, cảnh quan nhiều khu vực bị xâm hại nghiêm trọng. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017), nhiều chỉ số liên quan môi trường của Việt Nam được xếp thấp như: mức độ bền vững về môi trường; các quy định lỏng lẻo về môi trường; mức độ chất thải; nạn phá rừng; hạn chế về xử lý nước…

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Dương Tùng cho rằng: Hiện nay, chất thải rắn phát sinh trong lĩnh vực du lịch chưa được thu gom và xử lý kịp thời theo quy định, nhất là rác thải. Phần lớn rác thải từ các khu, điểm du lịch vẫn được chuyển về bãi chôn lấp tập trung và hầu hết chưa có khu xử lý chất thải rắn đạt tiêu chuẩn. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được thực hiện đồng bộ, hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên tại các điểm, khu du lịch. Nước thải từ các cơ sở du lịch phần lớn chưa được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường, ngoại trừ các cơ sở lưu trú, nhà hàng cao cấp, các cơ sở dịch vụ du lịch còn lại, hoặc chỉ xử lý sơ bộ qua bể lắng, hoặc xả thẳng ra môi trường gây ra tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Ngoài ra, do phát triển quá nhanh để đáp ứng nhu cầu của lượng khách du lịch ngày một tăng, hệ thống các khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí… tăng lên một cách nhanh chóng. Trong khi đó, hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành du lịch chưa theo kịp… cho nên nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ được xây dựng thiếu hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Ðiều này khiến quá trình suy thoái môi trường diễn ra nhanh hơn. Ðáng chú ý, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch mới chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế trước mắt đã khai thác nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu của du khách một cách không hợp lý. Ðiển hình như, đối với tài nguyên biển, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các phương tiện để khai thác quá mức các nguồn tài nguyên như rạn san hô, hải sản… dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Một số vùng đã sử dụng các loại phương tiện đánh bắt có tác động nghiêm trọng đến tài nguyên thiên nhiên như thuốc nổ, kích điện, thuốc độc đã phá hủy nghiêm trọng đa dạng sinh học trong vùng... Ðây đang được coi là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hấp dẫn, giảm chất lượng các dịch vụ du lịch, khiến du khách có ấn tượng không tốt về hình ảnh du lịch Việt Nam. Nhiều vị khách đã lên tiếng phàn nàn về tình trạng vệ sinh môi trường tại các khu, các điểm du lịch...

Để khắc phục những bất cập nêu trên, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng các chiến lược ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, ngành Du lịch Việt Nam cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành từ T.Ư đến địa phương để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường du lịch. Trong đó, cần tập trung vào các nội dung như: Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm mới; kiểm soát nguồn ô nhiễm, suy thoái môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế có ảnh hưởng môi trường tại các khu, điểm du lịch như xây dựng, phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản, giao thông vận tải, nuôi trồng thủy, hải sản, sản xuất ở các làng nghề. Thực hiện các chương trình bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; thực hiện tốt việc bảo tồn diện tích rừng nguyên sinh, bảo vệ rừng đặc dụng; đẩy mạnh việc trồng rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát, nhất là ở các vùng xung yếu rủi ro cao trước tác động của biến đổi khí hậu, nhất là đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...

Phó Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Trương Sỹ Vinh cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan lập quy hoạch, bố trí mặt bằng cho việc tập kết chất thải rắn sinh hoạt trong các khu du lịch, khu di tích lịch sử văn hóa và cơ sở lưu trú du lịch; điều tra, xác lập khu vực môi trường du lịch bị ô nhiễm trên địa bàn. Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, an ninh trật tự, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn mình phụ trách.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/35214402-khai-thac-du-lich-gan-voi-bao-ve-moi-truong.html