Khai thác giá trị tài liệu, tăng quyền tiếp cận thông tin

Nếu Luật Lưu trữ (2011) tập trung quy định để bảo quản, lưu giữ tài liệu tốt nhất, thì dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) hướng tới sự thay đổi quan trọng, để tài liệu lưu trữ được khai thác, phát huy, phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân.

Nhận thức về lưu trữ thay đổi

Chia sẻ với báo chí sáng 7.4, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng cho biết:“Việc xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đang được thực hiện tập trung, khẩn trương. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhất, tập trung nguồn lực tốt nhất cho dự án Luật”.

Để xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã thực hiện tổng kết thi hành Luật Lưu trữ năm 2011; tổ chức các tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức khảo sát thực tế; gửi lấy ý kiến góp ý, ý kiến phản biện bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ban soạn thảo đang tổ chức tiếp thu các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 5.2023. Dự kiến, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10.2023.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) dự kiến gồm 9 Chương, 48 Điều (tăng 6 Điều so với Luật Lưu trữ năm 2011), trong đó sửa đổi 24 Điều; bổ sung mới 24 Điều. Theo Cục trưởng Đặng Thanh Tùng, các vướng mắc của lưu trữ hiện nay, cũng như dự kiến những vấn đề tương lai có thể gặp phải đều được đưa ra trao đổi thẳng thắn, cởi mở, với tinh thần chung làm sao cho công tác lưu trữ phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Đại diện Ban soạn thảo cho biết, khó khăn lớn nhất và đầu tiên khi xây dựng dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) là ở thời điểm hiện tại, nhận thức của xã hội về lưu trữ không còn chỉ là lưu trữ tài liệu. Trong Luật Lưu trữ 2011, tài liệu được định nghĩa là “vật mang tin”, nhưng hiện nay, quan niệm xã hội đồng thuận gần như tuyệt đối - “tài liệu là thông tin”. Hơn thế, với sự phát triển của tài liệu điện tử, ranh giới giữa lưu trữ tài liệu và lưu trữ dữ liệu có nhiều nội dung chồng lấn. Bởi vậy, cơ quan soạn thảo phải xác định cụ thể khái niệm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật một cách chặt chẽ, để tránh gây hiểu nhầm.

Phác thảo mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước được giới thiệu tới công chúng. Ảnh: Th. Nguyên

Những điểm mới đáng chú ý

Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) có nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo Luật Lưu trữ hiện hành, trong thời hạn 10 năm, “cơ quan, tổ chức thuộc Danh mục cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu có trách nhiệm nộp lưu tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn vào Lưu trữ lịch sử”. Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đang sửa thời hạn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử là 5 năm.

“Theo Hiến pháp cũng như quy định pháp luật, người dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Nếu rút ngắn thời gian nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử, đồng nghĩa với thời gian tiếp cận tài liệu của công dân được rút ngắn. Đây là sự thay đổi tích cực và ý nghĩa đối với việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân” - ông Đặng Thanh Tùng nhận định.

Dự thảo Luật cũng dành một chương quy định về tài liệu lưu trữ điện tử, làm rõ giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ điện tử và có các quy định nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các quy định này cũng bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an ninh mạng, tiếp cận thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước và đặt ra những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử và Kho lưu trữ số để quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.

Từ trước đến nay nói đến lưu trữ dường như là việc của Nhà nước, trong khi đó, lưu trữ tư nhân vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, họa sĩ Bùi Trang Chước đã lưu trữ hàng trăm tài liệu lưu trữ về sự ra đời của Quốc huy Việt Nam và bản gốc những phác thảo mẫu vẽ Quốc huy… Vì thế, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) có quy định về giá trị của tài liệu lưu trữ tư; trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ tư… nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.

“Chúng tôi xác định, Luật Lưu trữ (sửa đổi) không phải làm cho Bộ Nội vụ, ngành lưu trữ, hay doanh nghiệp, cá nhân làm công tác lưu trữ, mà phải hướng tới tạo ra sự thay đổi rất quan trọng trong giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành lưu trữ Việt Nam. Luật phải trở thành hành lang pháp lý để đạt được cái đích cuối cùng là tài liệu, thông tin chính thống của quá khứ có ích cho cuộc sống hiện tại và mai sau, phục vụ thực sự cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Cục trưởng Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/khai-thac-gia-tri-tai-lieu-tang-quyen-tiep-can-thong-tin-i322733/