Khai thác giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ

Bài 1: Đa dạng sắc màu văn hóa

Thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống tại Lễ hội Katê dưới chân tháp Pô Sha Inư, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). (Ảnh ÐÌNH CHÂU)

Thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống tại Lễ hội Katê dưới chân tháp Pô Sha Inư, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). (Ảnh ÐÌNH CHÂU)

Khó có thể kể hết những nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ. Những giá trị ấy không những làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở những nơi này, di sản đang trở thành tài sản.

Hầu hết các dân tộc thiểu số ở Nam Trung Bộ sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; cư trú trên địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái... Công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa của các dân tộc đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, quá trình này đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Bên cạnh cộng đồng người Kinh chiếm đa số, dải đất duyên hải Nam Trung Bộ là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa như Chăm, Ra Glai, Chơ Ro... cùng một số dân tộc di cư đến sau tụ cư, hợp thành cơ cấu dân cư đa tộc người, giàu bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống. Tiếng nói, chữ viết; lễ hội; thiết chế văn hóa; phong trào văn hóa, văn nghệ; hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng... đã tạo nên giá trị bản sắc độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ.

Đa dạng và đậm đà bản sắc

Dễ thấy, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ có rất nhiều di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những di sản này đáp ứng được các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài và được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Trên thực tế, các giá trị văn hóa ấy thể hiện tính cộng đồng rất cao, thể hiện nét đặc thù của từng dân tộc.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn ở Ninh Thuận được tổ chức vào mồng 1 tháng 7 (theo Chăm lịch), diễn ra trên một không gian rộng lớn, từ khắp các đền tháp, làng (palei) cho tới gia đình (mângawom). Là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của người Chăm, lễ hội Katê phản ánh những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật gắn với sinh hoạt và đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội của cộng đồng.

Diễn ra hằng năm từ ngày 20 đến 23 tháng Ba âm lịch tại di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Tháp Bà Ponagar, trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, lễ hội Tháp Bà thu hút hàng nghìn người tham gia, không chỉ có người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận mà cả người Kinh và đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số khác đến từ nhiều vùng, miền của Tổ quốc. Lễ hội là điểm hội tụ các giá trị truyền thống trong quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt-Chăm giàu bản sắc; là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần tạo nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc Việt Nam trên dải đất Nam Trung Bộ đầy nắng gió.

Về thăm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Ðồng Xuân, tỉnh Phú Yên, du khách được nghe âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm H’Roi và Ba Na. Trong lễ cầu hôn, tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm như nhắc nhở đôi trai gái phải yêu thương nhau bền chặt, thủy chung. Trong sinh hoạt làng, nó tạo sự gắn kết, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người, còn trong đám ma, nó buồn bã, nỉ non, chia sẻ nỗi buồn đau với gia đình và thể hiện sự tiếc thương của cộng đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðồng Xuân, Phạm Trung Chánh cho biết, bộ nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chiêng năm có một vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Phú Yên nói chung, luôn có mặt trong mọi sinh hoạt văn hóa của đồng bào.

Một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận là nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở thôn Bình Ðức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ như chum, nồi, mâm, bình... Nét độc đáo của nghề làm gốm của người Chăm còn được lưu giữ đến ngày nay là “kỹ thuật đánh tròn”.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về gốm, “kỹ thuật đánh tròn” có từ thời đại đồ đá mới mà hiện nay chỉ còn khoảng 10 quốc gia trên thế giới bảo lưu được. Do được làm thủ công hoàn toàn, các sản phẩm gốm do người phụ nữ Chăm tạo ra tuy cùng chủng loại nhưng mỗi sản phẩm lại có nét đẹp riêng. Tri thức và kỹ năng làm gốm được trao truyền cho các thế hệ trong gia đình theo chế độ mẫu hệ. Và việc làm nghề tạo cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội.

Khó có thể kể hết những nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số Nam Trung Bộ. Những giá trị ấy không những làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà góp phần hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Nghệ nhân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận truyền dạy kỹ năng đánh mã la cho học sinh người dân tộc Ra Glai. (Ảnh NGUYỄN TRUNG)

Nghệ nhân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận truyền dạy kỹ năng đánh mã la cho học sinh người dân tộc Ra Glai. (Ảnh NGUYỄN TRUNG)

Mạch nguồn cuộn chảy qua các thế hệ

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Bùi Văn Tiến cho biết, thông qua việc hỗ trợ dạy và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhiều thiếu nữ người Hrê ở làng Teng đã sáng tạo những bộ trang phục thổ cẩm được thiết kế cách tân nhưng vẫn toát lên nét tinh hoa đặc sắc văn hóa truyền thống, được người tiêu dùng ưa thích và mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ gia đình làm nghề này.

Ðiển hình, sản phẩm trang phục thổ cẩm do nghệ nhân Phạm Thị Y Hòa được nhiều người đặt hàng, quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Theo nghệ nhân Phạm Thị Y Hòa, thời hiện đại, người dệt thổ cẩm phải chịu khó học hỏi, tìm tòi, sáng tạo và sản phẩm thổ cẩm phải đa dạng theo nhu cầu của thị trường. “Những sản phẩm của tôi chỉ là bước đệm truyền lửa đam mê, thắp thêm khát vọng cho các cô gái trẻ Hrê cùng nhau đưa thổ cẩm làng Teng vươn xa hơn, góp phần nâng tầm giá trị di sản cũng như đem lại thu nhập cho người dân.”, Y Hòa tâm sự.

Ngày 29/11/2022, di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ðây thật sự là tin vui đối với người Chăm, đặc biệt là người Chăm ở làng gốm Bình Ðức, tỉnh Bình Thuận. Nghệ nhân Ưu tú Ðơn Thị Hiệu, 85 tuổi, cho biết, năm 15 tuổi bà đã được mẹ truyền dạy nghề làm gốm, và từ đó cuộc sống của gia đình gắn bó với nghề này.

Tại Triển lãm “Thế giới qua ngọn lửa” được tổ chức tại Nhật Bản năm 1996, bà Ðơn Thị Hiệu cùng một số thành viên trong gia đình được mời sang biểu diễn. Tất cả nguyên liệu và dụng cụ làm gốm đều được mang sang triển lãm để thực hành tại chỗ. Thông qua những sứ giả từ làng gốm Chăm Bình Ðức, những người chứng kiến như tìm thấy hình ảnh lao động của con người thời xa xưa, thêm khâm phục khả năng sáng tạo của tiền nhân trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển.

Theo xu thế tất yếu, nghề gốm mỹ nghệ đang được các nghệ nhân làng Bình Ðức lưu giữ, phát triển, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo; vẫn từ những chất liệu tại chỗ nhưng có chất lượng, hàm lượng thẩm mỹ cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong nước và quốc tế.

Tại Bình Ðịnh, ở huyện Vĩnh Thạnh, lễ đón Thần Lúa khi vào mùa thu hoạch lúa rẫy được đồng bào Ba Na tổ chức rất trang nghiêm. Từng gia đình và cộng đồng làng tổ chức đón Thần Lúa; tuyên cáo với các vị thần đã đến mùa thu hoạch. Bà con dân làng cùng dâng lễ vật cúng thần linh; đánh cồng, đánh chiêng, múa, hát và cầu xin thần linh phù hộ mọi người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Vĩnh Thạnh, Võ Thị Hồng Liên cho biết: “Ðón Thần Lúa về làng, bà con mở hội ăn mừng; tạ ơn trời đất và chung vui với nhau. Chúng ta cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị này. Bởi trong tương lai, phát triển du lịch cộng đồng luôn gắn kết chặt chẽ với văn hóa truyền thống mỗi vùng miền, tạo bản sắc riêng biệt”.

Về với huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam, điểm nhấn trong không gian làng Cơ Tu là nhà Gươl. Với mỗi người Cơ Tu, nhà Gươl là một biểu tượng văn hóa, là chốn linh thiêng, nơi có sự lưu trú của thần linh và tổ tiên, ông bà. Ngôi nhà do cộng đồng góp sức cùng nhau xây dựng. Trong Gươl, mọi người không được cãi vã, đánh nhau mà phải luôn đoàn kết, đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh vì sự tồn tại và phát triển của cộng đồng người Cơ Tu. Những giá trị ấy có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng, bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu; đồng thời, góp phần tạo nên một tổng thể văn hóa thống nhất, đa dạng của nền văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Có thể thấy, các loại hình lễ hội truyền thống; lễ hội dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghệ thuật trình diễn dân gian... của các dân tộc thiểu số tại các tỉnh Nam Trung Bộ đã được duy trì và phát huy hiệu quả; qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân; tạo diện mạo mới trong cộng đồng làng xã; từng bước nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”...

(Còn nữa)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khai-thac-gia-tri-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-nam-trung-bo-post740369.html