Khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý

Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) không chỉ là 'sứ giả' chuyển tải văn hóa của địa phương, vùng miền, mà còn giúp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ... Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN), địa phương quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm được bảo hộ CDĐL.

Giá trị gia tăng cao

Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 30/9/2018, Việt Nam đã bảo hộ được 63 CDĐL trong nước và 6 CDĐL nước ngoài. Trong đó 38,09% sản phẩm là trái cây; 22,22% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp; 4,76% thủy sản; 11,11% gạo và 23,82% các sản phẩm khác.

Hầu hết CDĐL của Việt Nam tập trung cho trái cây; sản phẩm chế biến như nước mắm, mắm tôm; sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như nón lá Huế, cói Nga Sơn, trúc sào Cao Bằng, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, hoa mai vàng Yên Tử... Riêng lĩnh vực thủy sản chỉ mới có 3 mặt hàng là con ngán, sá sùng (Quảng Ninh) và sò huyết (Phú Yên).

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Là người đồng hành cùng Bộ Công Thương thực hiện, khảo sát Dự án "Điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng và quản lý CDĐL để xây dựng giải pháp phát huy, nâng cao giá trị của các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước", năm 2018, PGS.TS Nguyễn Xuân Quang - giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tïë (Trường Đaåi hoåc Kinh tïë Quốc dân) - cho biết, hầu hết mặt hàng được bảo hộ đều có giá trị gia tăng cao hơn, giá bán tốt hơn so với trước đó. Điển hình như nước mắm Phú Quốc, sau khi được Liên minh châu Âu (EU) công nhận và bảo hộ tên gọi xuất xứ, lượng sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng. Đến nay, lượng sản phẩm bán ra tại thị trường đạt khoảng 500.000 lít/năm. Không chỉ tăng về lượng, giá bán của sản phẩm này cũng ước tăng từ 30-50% so với trước đây (tùy loại sản phẩm). Tương tự, sau khi có CDĐL, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xuất khẩu đến hơn 30 nước trên thế giới, trong đó có một số nước thị trường cao cấp như Mỹ, Austrailia. Một số nước châu Âu cũng đã công nhận vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm cao cấp.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Đánh giá về vai trò của CDĐL, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, sản phẩm được bảo hộ CDĐL không chỉ là "sứ giả" để chuyển tải văn hóa của địa phương, vùng miền ra khu vực khác cũng như thị trường quốc tế, mà ở khía cạnh xúc tiến xuất khẩu, CDĐL còn khẳng định được chất lượng sản phẩm, qua đó giúp người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn và ưa dùng hơn. Vì vậy, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai nhiều hoạt động để quảng bá sản phẩm mang CDĐL của Việt Nam ra thị trường ngoài nước.

Bên cạnh đó, nhằm giúp các địa phương, DN tận dụng hiệu quả hơn CDĐL để không chỉ gia tăng giá trị ở thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới, thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đẩy mạnh 3 hoạt động chính. Trước hết, tiếp tục phối hợp với địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các bộ, ngành khác triển khai chương trình đào tạo nâng cao nhận thức của DN, địa phương, hợp tác xã, các tổ chức, hiệp hội ngành hàng liên quan đến vai trò của việc bảo hộ sử dụng các CDĐL trong hoạt động kinh doanh thương mại. Thứ hai, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng các đơn vị liên quan khác tăng cường hơn nữa việc đăng ký bảo hộ CDĐL tại thị trường nước ngoài. Để triển khai hoạt động này, trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, ngành đề nghị EU: Sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ công nhận bảo hộ cho 39 CDĐL của Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng bởi khi hiệp định có hiệu lực sẽ giúp các CDĐL, sản phẩm của Việt Nam có được chỗ đứng ở thị trường EU.

Cuối cùng, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các CDĐL. "Công tác truyền thông sẽ được tiến hành đồng bộ, song song cả trong nước và quốc tế. Hiện tại, chúng tôi đã lồng ghép tuyên truyền vào các sản phẩm ở hội chợ để người tiêu dùng biết đến, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn" - ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ.

CDĐL không chỉ là "giấy thông hành" để sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường mà còn là công cụ để bảo vệ nhà sản xuất, người tiêu dùng, thị trường; cơ sở để hạn chế tình trạng sử dụng thương hiệu giả, nhái, tăng tính cạnh tranh so với các sản phẩm thông thường.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khai-thac-hieu-qua-chi-dan-dia-ly-125255.html