Khai thác khoáng sản - Đừng thờ ơ với tiêu chuẩn an toàn lao động

Nhiều năm nay, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến trữ lượng khoáng sản mà chưa siết chặt khâu an toàn lao động đối với người trực tiếp làm việc tại các mỏ. Do đó, khi có sự cố xảy ra, người lao động thường phải hứng chịu hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng.

Không thể phủ nhận việc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương. Quảng Bình có 164 điểm mỏ với 19 loại khoáng sản được phát hiện và đưa vào quy hoạch để khai thác. Công tác quản lý hoạt động khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, nhiều năm nay, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến trữ lượng khoáng sản mà chưa siết chặt khâu an toàn lao động (ATLĐ) đối với người trực tiếp làm việc tại các mỏ. Do đó, khi có sự cố xảy ra, người lao động thường phải hứng chịu hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng.

Nguy hiểm rình rập ở các khai trường

Tại nạn lao động trong khai thác khoáng sản chỉ đứng sau lĩnh vực xây dựng và sản xuất công nghiệp. Trong đó, số vụ tai nạn diễn ra trong thời gian qua tập trung cao ở các điểm mỏ khai thác đá xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hàng trăm giấy phép hoạt động khai thác đá xây dựng, đá làm nguyên liệu xi măng còn hiệu lực với hàng chục điểm mỏ nằm tập trung ở các xã miền núi như Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa), Hòa Sơn (huyện Minh Hóa), Trường Xuân (huyện Quảng Ninh)... Một số khai trường vẫn còn tình trạng nổ mìn khai thác gây tiếng ồn lớn, việc vận chuyển lộn xộn, gây hư hỏng đường giao thông và làm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, những năm gần đây, tình trạng mất ATLĐ tại các điểm mỏ ngày càng tăng.

Một điểm mỏ khai thác đá xây dựng ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 2014 đến nay, Quảng Bình đã xảy ra 7 vụ tai nạn lao động liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, làm nhiều người chết và bị thương, trong đó tai nạn chủ yếu xảy ra ở mỏ khai thác đá xây dựng. Năm 2014, tại mỏ đá Lèn Na và Lèn Bảng thuộc xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 12 xảy ra 04 vụ tai nạn làm hai người chết, hai người bị thương. Cũng tại mỏ đá này, năm 2015 cũng có công nhân đang khoan đá bị trượt chân, rơi từ dộ cao 30m xuống đất, chết tại chỗ. Năm 2016, một lao động lái xe tải vào mỏ đá của nhà máy xi măng Văn Hóa (đóng trên địa bàn xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) để lấy đá; trong lúc đang chờ máy xúc chuyển đá lên xe, bất ngờ một hòn đá lớn từ trên núi rơi xuống đè lên đầu chiếc xe tải khiến đầu xe nát bét, khiến tài xế tử vong tại chỗ. Và gần đây nhất, vào ngày 27/02/2017, tại mỏ đá Rào Trù (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh), khi ông Võ Đức Hưởng (45 tuổi) đang trèo lên lèn đá cao khoảng 50m để khoan nhồi thuốc nổ mìn khai thác đá thì dây bảo hộ bị đứt khiến ông rơi tự do xuống chân núi và tử vong tại chỗ.

Vấn đề xưa nhưng không cũ

Việc khai thác đá không phải lúc nào cũng thực hiện từ trên cao xuống theo phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta-luy và bóc lớp đất phủ bì; mà để có đá kịp cung cấp cho khách hàng, chủ mỏ luôn yêu cầu công nhân khai thác từ dưới chân núi đá lên. Khoan lỗ, đặt nổ mìn tạo ra các “hàm ếch” và thuê lao động thủ công cạy đá đưa đi bán. Trong quá trình nổ mìn đá bị rạn nứt hoặc trước đó bị mưa gió bào mòn. Vì vậy, cả khối đá phía trên luôn trong tình trạng có thể đổ sập xuống gây tai nạn bất cứ lúc nào. Thực tế, nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra trong quá trình nổ mìn khai thác đá. Qua tìm hiểu được biết, mặc dù “quy trình ngược” này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nhưng vẫn được nhiều chủ mỏ ở Quảng Bình áp dụng, bất chấp nguy hiểm đối với công nhân.

Nhìn nhận nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là do công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng; sự phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác đá giữa các cấp, ngành địa phương còn chưa rõ ràng, thống nhất; thiếu các chế tài xử lý vi phạm, nhất là những vi phạm về kỹ thuật an toàn trong thiết kế và thi công khai thác đá. Đặc biệt, chính quyền ở các địa phương có mỏ đá còn chưa kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyên, vẫn để cho tình trạng khai thác trái phép, không phép xảy ra trong thời gian dài. Hơn nữa, nhận thức của các doanh nghiệp về đảm bảo an toàn lao động trong khai thác, chế biến khoáng sản còn hạn chế; Ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của một số tổ chức, doanh nghiệp chưa nghiêm túc, chưa chú trọng huấn luyện kỹ thuật khai thác, trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân trong khai thác mỏ lộ thiên; Số cán bộ có chuyên môn kỹ thuật về khai thác mỏ, địa chất có trình độ trung cấp trở lên chưa nhiều, số công nhân làm việc trực tiếp tại các mỏ đá được đào tạo chính quy tại các trường công nhân nghề mỏ là rất ít... Từ đó dẫn đến quy trình hoạt động khai thác không đảm bảo.

Để không còn những vụ tai nạn thương tâm do sập mỏ đá cũng như đảm bảo hiệu quả KT-XH ở những địa phương có các mỏ đá, công tác quản lý về tài nguyên và cả hoạt động khai thác cần được chú trọng hơn. Các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương có các mỏ đá trên địa bàn cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra, rà soát mức độ bảo đảm an toàn của các mỏ đá, kiên quyết dừng khai thác, rút giấy phép và không cấp phép mới đối với những mỏ không đảm bảo an toàn trong khai thác. Bên cạnh khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn đối với người lao động trực tiếp sản xuất, cần nâng cao trách nhiệm đối với chủ khai thác mỏ đá. Cần phải có những chế tài, quy định cụ thể, chi tiết về việc chủ sử dụng lao động phải huấn luyện kỹ thuật, trang bị những phương tiện bảo hộ tối thiểu cho người lao động. Nhất là, phải có người có chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác đá thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình khai thác.

Nhất Linh

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/khai-thac-khoang-san-dung-tho-o-voi-tieu-chuan-an-toan-lao-dong.html