Khai thác lợi thế cạnh tranh để mở rộng thị trường xuất khẩu

Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5% vào cuối năm 2023, Tiền Giang đang tập trung giải ngân vốn đầu tư công xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại ở cả đô thị và nông thôn.

Cùng đó, tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu kịp thời ứng phó trước những biến động của thị trường cũng như tìm kiếm các thị trường mới ngoài thị trường truyền thống, tránh phụ thuộc vào một thị trường chủ lực.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, khởi công tháng 3/2020 là một trong những dự án trọng điểm quốc gia đang được gấp rút thực hiện để kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc về khu vực ĐBSCL. Dự kiến cuối tháng 10 hợp long nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2 và đến cuối năm nay sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, khởi công tháng 3/2020 là một trong những dự án trọng điểm quốc gia đang được gấp rút thực hiện để kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc về khu vực ĐBSCL. Dự kiến cuối tháng 10 hợp long nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2 và đến cuối năm nay sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Nhiều điểm sáng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, năm 2023, Tiền Giang huy động trên 6.111 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định đầu tư công là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư và địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều công trình đầu tư trọng điểm tạo động lực thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như kết nối vùng, liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiền Giang đã chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay từ tháng 12/2022 và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể kể đến các dự án như: Dự án đầu tư xây mới Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, Dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền trên cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy)…

Trong đó, Dự án Đầu tư hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tình 864 (giai đoạn I) có tổng mức đầu tư trên 846 tỷ đồng, là một trong những dự án có tiến độ nhanh, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn nhờ giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Theo dự kiến, dự án sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo ngăn lũ và triều cường trước mùa lũ 2023 và vượt trước kế hoạch khoảng 2 tháng.

Hiện ngành Giao thông vận tải cũng đang tiếp tục thi công hoàn thành các công trình chuyển tiếp từ năm 2022 và công trình khởi công năm 2023; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chuyển tiếp trọng điểm như: đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; nâng cấp mở rộng các Đường tỉnh 861, 863, 869 kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp…

Đến nay, Tiền Giang đang nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công. Tính đến hết tháng 7/2023, tỉnh đã giải ngân được trên 2.900 tỷ đồng, đạt 55,3% kế hoạch, tăng 42,6% so cùng kỳ. Đây là tiền đề tạo điều kiện, tạo động lực cho tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần thực hiện hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Bên cạnh đó, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đầu tư các công trình trọng điểm, để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương đạt các mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang còn đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản thế mạnh của tỉnh thông qua việc khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, đồng thời tích cực tìm kiếm, phát triển và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới.

Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến các thủ tục cần thiết như: lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng… Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Tiền Giang được cấp trên 270 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 20.000 ha nhằm phục vụ xuất khẩu nông sản chính ngạch, chủ yếu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.

Hiện nay, ngoài cây ăn trái, lúa cũng là nguồn nông sản hàng hóa quan trọng phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân của Tiền Giang. Hiện tỉnh có gần 190 hợp tác xã nông nghiệp và khoảng 500 doanh nghiệp kinh doanh, xay xát, chế biến lúa gạo xuất khẩu. Mỗi năm, các doanh nghiệp tại Tiền Giang xuất khẩu khoảng 200.000 tấn, thu về hàng trăm triệu USD. Trung Quốc là thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của tỉnh, chiếm 35,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh; kế tiếp là Philippines và một số thị trường khác.

Để nâng cao chất lượng gạo, Tiền Giang quy hoạch vùng gắn với liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; triển khai Dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025. Qua dự án, trước mắt, đã có gần 400 ha lúa được chứng nhận đạt VietGAP, GlobalGAP.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Công nhân nhà máy GODACO tại Khu công nghiệp Mỹ Tho đang làm đơn hàng hàng cá tra xuất khẩu. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Công nhân nhà máy GODACO tại Khu công nghiệp Mỹ Tho đang làm đơn hàng hàng cá tra xuất khẩu. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Để phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5% vào cuối năm 2023, ông Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình cũng như đẩy mạnh huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, bảo đảm sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư công.

Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải sẽ tăng cường phối hợp các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án gồm: Cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2, nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn I… Ngành giao thông Vận tải đề xuất UBND tỉnh chấp thuận đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh phục vụ xây dựng tỉnh, huyện nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, đối với vốn đầu tư công hàng năm, địa phương luôn ưu tiên cho lĩnh vực giao thông trên 40% tổng số vốn. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, Tiền Giang đã phân bổ vốn cho lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông gần 9.900 tỷ đồng. Riêng năm 2023, lĩnh vực này được phân bổ gần 1.800 tỷ đồng. Cũng theo ông Vĩnh, kết quả đầu tư công của tỉnh đạt cao còn nhờ sự kế thừa của các chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trước đây về việc ban hành các chủ trương, nghị quyết về quy hoạch, bố trí vốn,...

Mặt khác, dựa trên tình hình thực tế phát sinh, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ điều chuyển vốn giữa các công trình có giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân thấp sang các công trình có giá trị khối lượng thực hiện cao trong từng nguồn vốn đã được HĐND tỉnh thông qua.

Riêng đối với xuất khẩu nông sản, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, trong các tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục triển khai những giải pháp điều hành xuất khẩu hợp lý và hiệu quả nhằm đạt kim ngạch xuất khẩu cả năm trên 4 tỷ USD, vượt 5% chỉ tiêu cả năm 2023.

Theo đó, Tiền Giang tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết nhằm giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về các rào cản thương mại phía đối tác đặt ra… Từ đó, các doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp.

Cùng đó, Tiền Giang còn chú trọng hướng đến những thị trường xuất khẩu hứa hẹn đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là thị trường các nước trong khối Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), thị trường các nước khối EU, Vương quốc Anh cũng như quan tâm xuất khẩu chính ngạch nông sản chủ lực sang thị trường Trung Quốc,…

Ông Lưu Văn Phi thông tin, ngành công thương sẽ kịp thời cung cấp các thông tin cập nhật liên quan thị trường xuất khẩu cũng như các hội chợ, triển lãm trong ngoài nước đến các đơn vị có nhu cầu nhằm kết nối cung – cầu xuất khẩu, xúc tiến thương mại hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tháo gỡ khó khăn thời kỳ hậu COVID-19, tăng cường đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thị trường,

Đồng thời, Sở Công Thương còn làm đầu mối tổ chức cho doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tổ chức đoàn khảo sát thị trường mới, giao dịch thương mại song song với tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng kinh doanh; hỗ trợ phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp tác xã trong tỉnh có nhu cầu.

Mặt khác, Tiền Giang mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao, thu hút nhiều ngoại tệ, ổn định đời sống nhân dân; trong đó, chú trọng cả thị trường xuất khẩu nông sản tươi và nông sản qua chế biến phù hợp với yêu cầu của từng thị trường vừa gia tăng giá trị của nguồn hàng hóa xuất khẩu.

Trí Bình - Chí Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khai-thac-loi-the-canh-tranh-de-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-20230816065550182.htm