Khai thác lợi thế để phát triển du lịch sáng tạo: Xu hướng của tương lai

Theo xu hướng chung của thế giới, du lịch sáng tạo ngày càng phát triển rộng rãi và nhanh chóng, góp phần đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam, đồng thời đóng góp đáng kể trong việc phát triển du lịch bền vững và bảo tồn bản sắc văn hóa ở các địa phương.

Chương trình “Tết làng Việt” tại làng cổ Đường Lâm với nhiều trải nghiệm sáng tạo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Linh Tâm

Chương trình “Tết làng Việt” tại làng cổ Đường Lâm với nhiều trải nghiệm sáng tạo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Linh Tâm

Nhận diện du lịch sáng tạo

Khái niệm “du lịch sáng tạo” bắt đầu xuất hiện từ cách đây hơn 3 thập niên (năm 1993) bởi các học giả nước ngoài. Sau 13 năm hình thành và phát triển, năm 2006 du lịch sáng tạo (creative tourism) mới chính thức được nhận diện qua định nghĩa của UNESCO: “Du lịch sáng tạo là du lịch hướng tới trải nghiệm gắn kết và đích thực với việc học tập, tìm hiểu trực tiếp về nghệ thuật, di sản hoặc các đặc trưng của điểm đến. Du lịch sáng tạo cung cấp sự kết nối với những người dân địa phương và tạo ra một trải nghiệm văn hóa sống động”.

Du lịch sáng tạo xuất hiện cùng sự ra đời của nền kinh tế trải nghiệm, vì thế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng du lịch sáng tạo chính là du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, du lịch sáng tạo không chỉ là một loại hình du lịch trải nghiệm đơn thuần mà còn bao hàm vai trò tích cực của du khách và người dân địa phương thông qua việc đồng sáng tạo giá trị, chia sẻ kiến thức, kỹ năng sáng tạo giữa các bên liên quan trong quá trình trải nghiệm du lịch dựa trên những đặc điểm độc đáo của điểm đến.

Tại Việt Nam những năm gần đây, khái niệm “sáng tạo” bắt đầu được sử dụng nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế dịch vụ như công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thành phố sáng tạo, điểm đến du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm cho người tiêu dùng... Trong du lịch, khái niệm “sáng tạo” cũng được các nhà nghiên cứu đề cập tới như là một loại hình du lịch đặc trưng của du lịch văn hóa.

Tham gia các hoạt động du lịch sáng tạo, khách du lịch có thể học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, phong tục ở điểm đến thông qua những hoạt động học tập, tương tác, trải nghiệm thực tế và sâu sắc với văn hóa, xã hội, con người ở điểm đến du lịch. Theo đó, có thể hiểu, du lịch sáng tạo là du khách trực tiếp tham gia các hoạt động, hòa vào cuộc sống nơi đến và cùng sáng tạo như một thành viên bản địa thay vì chỉ quan sát, thưởng ngoạn, suy ngẫm như cách đi du lịch văn hóa truyền thống.

Theo TS Đào Minh Ngọc, giảng viên khoa Du lịch và Khách sạn (Trường Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), du lịch sáng tạo nhấn mạnh sự kết nối, tương tác giữa khách du lịch với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và cư dân bản địa. Đây chính là yếu tố cốt lõi của du lịch sáng tạo. Thông qua đó, những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hiện đại giữa cộng đồng và du khách sẽ được trao đổi. Du khách có cơ hội hiểu biết và trải nghiệm thực tế sâu sắc về truyền thống, lối sống, phong tục, tập quán, nghệ thuật địa phương... đồng thời được khuyến khích tham gia sáng tạo, trao đổi kiến thức và văn hóa.

Người dân địa phương cũng có điều kiện tiếp xúc với khách du lịch đến từ nhiều nền văn hóa với các hình thức trải nghiệm, đồng tạo các giá trị du lịch khác nhau. Từ đó góp phần bảo tồn, duy trì giá trị văn hóa truyền thống và hình thành giá trị văn hóa, sáng tạo nghệ thuật mới.

Những mô hình du lịch sáng tạo độc đáo

Tại Việt Nam, những năm qua, có khá nhiều mô hình, sản phẩm du lịch sáng tạo được hình thành. Có thể kể tới như Làng du lịch cộng đồng Tân Hóa (Quảng Bình) - ngôi làng thường xuyên bị ngập lụt đã trở thành điểm du lịch cộng đồng với nhiều trải nghiệm sáng tạo và được Tổ chức UN-tourism trao tặng danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.

Tại Hội An, những khó khăn do thiên tai, lũ lụt đã trở thành động lực để người dân xây dựng sản phẩm “Hội An mùa nước nổi”. Theo đó, vào mùa lụt, khi nước sông Thu Bồn dâng ngập các con phố Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi…, du khách có dịp ngồi trên ghe khám phá khu phố cổ Hội An với cảm xúc khó quên.

Còn tại Tuyên Quang, từ một lễ hội rước đèn Trung thu cho trẻ em, nhờ sự đồng lòng của người dân và chính quyền, lễ hội đã được nâng tầm trở thành Lễ hội Thành Tuyên - một sự kiện văn hóa - du lịch đặc trưng của tỉnh, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước.

Hà Nội - thành phố đầu tiên trong cả nước trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, đã cho thấy vị thế của mình với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức qua 4 "mùa", để lại những dấu ấn sâu sắc. Năm 2024, trong khuôn khổ lễ hội, người ta thấy cái “bắt tay” giữa các doanh nghiệp lữ hành, điểm di sản, chính quyền địa phương và ngành Văn hóa Thủ đô để xây dựng những tour khám phá di sản mới lạ, gây hiệu ứng và cảm xúc đặc biệt đối với người dân cũng như du khách.

Hay mới đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), người dân Hà Nội và du khách đã đổ về Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để hòa cùng các chiến sĩ trẻ hát vang những giai điệu đầy tự hào về quê hương, đất nước, về hòa bình, độc lập. Hình ảnh các vị khách nước ngoài cùng nhảy và hát vang câu: “Việt Nam - Hồ Chí Minh” trong ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” khiến không ít người trào dâng niềm xúc động. Điều đó càng khẳng định, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành một địa chỉ văn hóa, một điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.

Luôn đặt di sản văn hóa ở vị trí trung tâm, Hà Nội đã chứng minh khả năng biến di sản thành tài sản, nâng tầm giá trị văn hóa để khai thác, phát triển du lịch.

Ở khu vực ngoại ô, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) ngày càng khẳng định thương hiệu điểm đến không thể bỏ qua với Không gian văn hóa sáng tạo Đoài Creative, chương trình Tết làng Việt quy tụ nhiều đại sứ và người nước ngoài làm việc tại Hà Nội tham gia hằng năm; hay các sản phẩm du lịch khai thác từ rơm...

Còn tại Ứng Hòa, hình ảnh làng tăm hương Quảng Phú Cầu cũng “viral” trên mạng xã hội và báo chí quốc tế với hình ảnh đặc trưng là những bó tăm hương được xếp thành hình đất nước Việt Nam khiến nhiều du khách phải tò mò tìm tới...

Làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) được nhiều du khách quốc tế biết tới nhờ sự sáng tạo trong cách làm du lịch của người dân. Ảnh: Minh Đức

Làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) được nhiều du khách quốc tế biết tới nhờ sự sáng tạo trong cách làm du lịch của người dân. Ảnh: Minh Đức

Đồng sáng tạo - một xu hướng nổi bật

Tất cả những sản phẩm du lịch trên đều mang dấu ấn sáng tạo của cộng đồng khi người dân đã biết tận dụng lợi thế, khai thác giá trị di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch sáng tạo, từ đó hình thành các tour tuyến độc đáo.

Có thể thấy, những sản phẩm này được sáng tạo dựa trên xu hướng, sở thích và nhu cầu của du khách khi họ không trải nghiệm một cách thụ động mà tự khám phá và hòa mình vào cuộc sống cùng người bản địa. Cách họ tham gia và sử dụng công nghệ trong suốt hành trình để tra cứu thông tin, tìm hiểu điểm đến, sử dụng công cụ dịch AI hay check-in trên các nền tảng mạng xã hội đã góp phần lan tỏa hình ảnh điểm đến một cách hiệu quả. Đó cũng là cách mà du lịch sáng tạo, vận hành theo xu thế chung của thế giới. Và đó cũng là cách mà người dân và du khách đồng sáng tạo để phát triển du lịch một cách bền vững.

Đề cập đến khái niệm đồng sáng tạo, Thạc sĩ Trần Đình Tuấn (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đồng sáng tạo giá trị (co-creation value) là một xu hướng nổi bật trong ngành Du lịch, mang lại giá trị to lớn cho cả doanh nghiệp và khách hàng.

“Đồng sáng tạo trong hoạt động trải nghiệm du lịch là một quá trình mà cả nhà cung cấp dịch vụ du lịch và khách hàng cùng nhau tạo ra những giá trị độc đáo và đáng nhớ. Thay vì đơn thuần cung cấp một sản phẩm có sẵn, đồng sáng tạo khuyến khích sự tương tác, đóng góp ý kiến của khách hàng để tạo ra những trải nghiệm phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân của họ” - ông Tuấn chia sẻ.

Đồng sáng tạo còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của hoạt động trải nghiệm du lịch, giúp cá nhân hóa sản phẩm dịch vụ, tăng tính tương tác, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù và độc đáo, đồng thời tạo dựng lòng trung thành của khách hàng. Bên cạnh đó, đồng sáng tạo cũng giúp tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, khác biệt, khó thay thế. Sản phẩm khó bị thay thế và luôn có khả năng tiếp nhận cái mới, đó là minh chứng cho việc phát triển bền vững, mà du lịch sáng tạo là một ví dụ điển hình.

Linh Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khai-thac-loi-the-de-phat-trien-du-lich-sang-tao-xu-huong-cua-tuong-lai-688882.html