Khai thác lợi thế, phát triển du lịch trải nghiệm
Phát huy thế mạnh là nơi khởi điểm mô hình 'Cây xoài nhà tôi', nhiều nông dân xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã chuyển hướng từ làm nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Hoạt động này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Xã Mỹ Xương
Từ năm 2016, khách tìm đến mua “Cây xoài nhà tôi” ngày càng nhiều, danh tiếng Mỹ Xương cũng ngày càng vươn xa. Tận dụng lợi thế này, cùng với mong muốn phát huy lợi thế vườn xoài địa phương, huyện Cao Lãnh đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, họp bàn để tìm cách chuyển hướng làm ăn cho người dân địa phương. “Địa phương đã tổ chức cho nông dân đi tham quan mô hình du lịch tại TP Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh hiểu rõ hơn về mô hình du lịch trải nghiệm, từ đó có những định hướng cải tạo vườn, phát triển thành dịch vụ để phục vụ khách tham quan”- bà Nguyễn Thị Kim Hoàng - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cao Lãnh cho biết.
Từ định hướng quy hoạch làng du lịch, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nhiều nông dân ở xã Mỹ Xương chính thức thay đổi tư duy, chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp thuần túy, cố hữu lâu đời sang làm du lịch trải nghiệm. Cụ thể, các hộ gia đình trong xã sắp xếp lại khoảng sân vườn đẹp mắt, khai thác thế mạnh riêng của mỗi gia đình để tạo dịch vụ, phục vụ khách tham quan.
Ông Nguyễn Văn Mách, một trong những hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở xã Mỹ Xương, tâm sự: “Làm du lịch trải nghiệm vất vả hơn sản xuất xoài bình thường. Nếu như trước đây, gia đình tôi chỉ chăm sóc vườn xoài thì nay phải chỉnh trang nhà cửa, chuẩn bị các điều kiện phục vụ khách như: ẩm thực, tổ chức cho khách tham gia các hoạt động trải nghiệm tại vườn xoài... Dù vậy, chúng tôi rất vui vì được tiếp xúc với nhiều du khách, có thu nhập thường xuyên từ làm du lịch”.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài của mình, ông Mách chia sẻ: “Đến đây, ngoài thưởng thức các loại thức uống, món ăn nhà làm, du khách sẽ được nghe giới thiệu về mô hình “Cây xoài nhà tôi”; trực tiếp trải nghiệm các công đoạn chăm sóc xoài như: cuốc đất, cắt tỉa cành, bao trái, tham gia trò chơi đóng gói xoài xuất khẩu... Các hoạt động này diễn ra tự nhiên, thoải mái nên du khách rất thích thú”.
Đến nay, xã Mỹ Xương có 4 hộ làm du lịch. Mỗi hộ khai thác thế mạnh riêng của mình để phục vụ du khách. Theo đó, đến Mỹ Xương, du khách sẽ được trải nghiệm 1 tour du lịch gồm: Tham quan Phủ thờ Thượng tướng quân Thư Ngọc hầu - Nguyễn Văn Thư để nghe về tiểu sử của Thư Ngọc hầu và nguồn gốc cây xoài đầu tiên tại Làng Mỹ Xương (nay là xã Mỹ Xương); thăm vườn xoài Tư Mách, nghe kể về nguồn gốc, quy trình canh tác “Cây xoài nhà tôi”; tại vườn xoài Ba Hậu, du khách trải nghiệm hoạt động vớt ốc tại vườn xoài, thăm mô hình phun tưới thông minh. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn bình dị gắn với cuộc sống của người dân địa phương như: cá lóc nướng trui, ốc hấp tiêu, gà nướng...
Hiện nay, xã Mỹ Xương được xem là một trong những điểm du lịch ấn tượng cho du khách khi đến với Đồng Tháp. Điều này được chứng minh thông qua lượng du khách đến khám phá, trải nghiệm tại Mỹ Xương (từ tháng 7 đến tháng 12/2022 có khoảng 700 lượt khách đến tham quan). Đặc biệt, rất nhiều đoàn khách đã quay trở lại thăm Mỹ Xương, mang lại cơ hội mới trong cải thiện đời sống người dân. Đây được xem là thành công bước đầu của Làng du lịch Mỹ Xương.
Anh Châu Minh Lân - du khách đến từ Đà Lạt tham quan vườn xoài chia sẻ: “Ấn tượng nhất đối với tôi là khung cảnh yên bình, thoáng đãng của vườn xoài, tạo cho du khách một không gian thân thiện với môi trường. Với những lợi thế này, nếu địa phương tiếp tục đào tạo đội ngũ thuyết minh, đầu tư cơ sở hạ tầng làng du lịch hoàn chỉnh, đồng thời có thêm các khu trưng bày, bán quà lưu niệm, tạo nhiều trải nghiệm để du khách có thể ở lâu hơn với Đồng Tháp thì hiệu quả du lịch cộng đồng mang lại sẽ cao hơn”.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng cho biết thêm: cùng với các mô hình du lịch khác, du lịch trải nghiệm được xác định là loại hình có tiềm năng, bắt kịp xu hướng tham quan kết hợp với trải nghiệm văn hóa của nhiều bạn trẻ và du khách quốc tế. Để mô hình du lịch này hấp dẫn du khách hơn, huyện đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, đào tạo nhân lực, kết nối các điểm du lịch trong huyện tạo 1 tour du lịch hoàn chỉnh... Cùng với đó, khuyến khích các hộ dân cùng tham gia mô hình du lịch trải nghiệm, thiết kế các sản phẩm du lịch để vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa quảng bá hình ảnh của địa phương.