Khai thác lợi thế xuất khẩu chính ngạch
Những năm gần đây, hoạt động xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai có sự tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn (năm 2019 đạt 93,9%). Điều này cho thấy hoạt động xuất - nhập khẩu của các doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp và hướng đến bền vững.
Hội tụ đủ các loại hình vận tải
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) là cặp cửa khẩu duy nhất giữa Việt Nam với Trung Quốc hội tụ đủ các loại hình vận tải gồm đường sắt, đường bộ cao tốc, đường thủy và tương lai gần là đường hàng không. Ðây là “cửa ngõ” trên bộ phía Tây Bắc của Việt Nam, giúp các địa phương trong nước thông thương với thị trường rộng lớn miền Tây Nam của Trung Quốc - nơi có sức tiêu thụ hàng hóa nông sản, hải sản lớn. Ðây còn là đường thông thương ngắn nhất, thuận tiện nhất cho tỉnh Vân Nam nói riêng và vùng Tây Nam của Trung Quốc nói chung thông ra các cảng biển tới nước thứ 3 và chiều ngược lại. Hàng hóa qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu là những mặt hàng có tính bổ trợ, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của 2 nước.
Để thúc đẩy xuất - nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng, Lào Cai đã huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính tại cửa khẩu như kê khai hải quan điện tử, công tác kiểm dịch, cấp phép vận tải quốc tế, làm thủ tục xuất - nhập cảnh. Mới đây, tỉnh đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống kiểm soát người tự động tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, được vận hành dựa trên công nghệ nhận diện vân tay và khuôn mặt. Hệ thống tự động đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuất - nhập cảnh xuống còn 5 - 7 giây, bỏ qua tất cả các khâu thủ công trước kia và “nút thắt” ùn tắc trong giờ cao điểm đã được tháo gỡ. Còn tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, các đơn vị chức năng phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp làm thủ tục để hàng hóa xuất - nhập khẩu được thông quan nhanh chóng, không để xảy ra ùn tắc.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết: Đơn vị duy trì hoạt động tốt hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS cũng như các ứng dụng nghiệp vụ hoạt động thông suốt. Đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giải đáp những vướng mắc, giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa nhanh nhất.
Theo ông Nguyễn Ngọc Khải, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các cửa khẩu trên địa bàn hiện thu hút gần 600 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu. Tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu, mua - bán, trao đổi qua các cửa khẩu năm 2019 đạt 3,812 tỷ USD, tăng 26,6% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,628 tỷ USD (tăng 39%), nhập khẩu đạt 1,182 tỷ USD (giảm 0,3%). Số người xuất - nhập cảnh đạt gần 5,7 triệu lượt, tăng 21% so với năm 2018, trong đó xuất cảnh 2,9 triệu lượt; nhập cảnh 2,8 triệu lượt. Có gần 439 nghìn lượt phương tiện xuất - nhập cảnh, tăng 36% so với năm 2018. Kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế có sự tăng trưởng cao và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, năm 2019 đạt 93,9%. Kết quả này cho thấy, ngoài hiệu quả từ công tác cải hành chính chính của tỉnh nhằm thu hút doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng đã hoạt động chuyên nghiệp, văn minh hơn. Kinh tế cửa khẩu phát triển mạnh đã và đang đóng góp vào việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của Lào Cai trong những năm qua, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Triển vọng cho các ngành kinh tế
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và đưa kinh tế Lào Cai phát triển toàn diện, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn năm 2050 tại Quyết định 1627. Trên tổng diện tích gần 16 nghìn ha, Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai trải dài từ thành phố Lào Cai đến các huyện: Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai. Trong quy hoạch này tập trung phát triển trọng tâm ở các xã, phường biên giới của thành phố Lào Cai, mở rộng theo đường biên giới lên huyện Bát Xát, tương xứng với quỹ đất, thuận tiện trong kết nối giao thông, mở ra triển vọng phát triển cho các ngành kinh tế của tỉnh.
Ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm 2019. Để hiện thực hóa con số này, Sở Công thương sẽ chủ động nắm tình hình hoạt động thương mại biên giới tại các cửa khẩu, lối mở, nhất là các quy định mới của Trung Quốc để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Sở sẽ tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu qua địa bàn.
Một số giải pháp được lãnh đạo Sở Công thương đề cập như tăng cường các hoạt động kết nối hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Lào Cai và Vân Nam để thúc đẩy trao đổi, mua - bán hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, triển khai thí điểm xuất khẩu nông sản tại một số điểm trên khu vực biên giới. Thúc đẩy xây dựng và triển khai đề án Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc); phối hợp với tỉnh Vân Nam sớm hoàn thành hồ sơ thiết kế cầu đường bộ sông Hồng nối biên giới Bát Xát (Lào Cai) - Bá Sái (Vân Nam); đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành 2 bên xác định điểm nối ray, triển khai xây dựng đường sắt khổ lồng từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)...
Ngoài ra còn có việc xây dựng quy hoạch chi tiết và thu hút nhà đầu tư lớn đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics hạng II (diện tích tối thiểu 30 ha) tại Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành ở Lào Cai (theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015). Đề xuất Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc thống nhất mở cửa khẩu cấp độ song phương tại Bản Vược - Bá Sái để kịp hoạt động sau khi cầu Bản Vược - Bá Sái hoàn thành. Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong nước và tỉnh Vân Nam trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến tài nguyên khoáng sản, chế biến nông - lâm sản, thủy điện, giao thông, hạ tầng du lịch - dịch vụ - thương mại…