Khai thác 'mỏ vàng' từ phụ phẩm tôm

Với 1kg tôm, nhà máy chế biến phải bỏ đi từ 35% - 40% phụ phẩm gồm đầu, vỏ, gan, tụy… Theo các nhà nghiên cứu, đây là sự lãng phí bởi bên trong những phụ phẩm này có chứa nhiều dưỡng chất giá trị phục vụ sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi.

Nếu có chiến lược đầu tư nghiên cứu tập trung sẽ cho ra những sản phẩm mới thị trường đang cần với tỷ suất lợi nhuận cao.

Ngành chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam thải ra nhiều phụ phẩm Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

Ngành chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam thải ra nhiều phụ phẩm Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

Hợp chất sinh học quý

Astaxanthin được coi là hợp chất sinh học quý với khả năng tác dụng chống oxy hóa mạnh gấp 500 lần Vitamin E, hạn chế hiệu quả quá trình lão hóa. Dưỡng chất này được tìm thấy trong các loài sinh vật biển như tảo, cá hồi và đặc biệt là tôm. Nhận thấy phụ phẩm từ tôm ở nước ta có trữ lượng lớn, song chưa được quan tâm tận dụng để lấy hết dưỡng chất, 5 sinh viên của Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã thử sức. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, dự án khoa học của 5 sinh viên đã cho những kết quả hết sức khả quan.

Sinh viên Đăng Khôi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những phương pháp thu bột đạm từ phụ phẩm tôm phổ biến trước đây là dùng dầu thực vật. Cách làm này khá tốn kém, đồng thời độ hòa tan thấp nên bột đạm thu được thường quá nhiều dầu, khó dùng cho người. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm phát hiện ra phương pháp để có thể thu được sản phẩm nhiều hơn gần gấp 3 lần so với trước đây. Cụ thể, nhóm đã mạnh dạng sử dụng enzyme Alcalase LFG 2.4 1128 và Lipase L3126 kết hợp. Theo đánh giá, bột đạm thu được từ phương pháp này có cấu trúc mịn hơi xốp, màu đỏ cam sáng, thơm mùi thịt tôm khi nấu chín và có vị ngọt nhẹ dễ chịu. Đây cũng là ưu điểm nổi bật giúp bột đạm thu được dễ dàng sử dụng cho người”.

Với giá trị dinh dưỡng cao và đánh giá cảm quan tích cực, sản phẩm bột đạm giàu Astaxanthin của nhóm sinh viên HUTECH có thể sử dụng với nhiều mục đích: chống oxy hóa, hạn chế tế bào ung thư phát triển, hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, xương khớp, đặc biệt là chống lão hóa da... Bên cạnh đó, loại bột đạm này có thể bổ sung trong thức ăn chăn nuôi cho cá hồi để thịt cá có màu cam đỏ đậm. “Nghề nuôi tôm ở nước ta rất phát triển, nên nếu tận dụng được phế phẩm đầu tôm thu bột đạm thì sẽ có nguồn bột đạm giàu astaxanthin rất dồi dào, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường”, sinh viên Đăng Khôi phấn khởi cho biết.

Điều khích lệ tinh thần nghiên cứu cho nhóm bạn trẻ này là đề tài “Thu nhận bột đạm giàu Astaxanthin từ phế liệu đầu tôm sú Penaeus Monodon bằng Alcalase LFG 2.4 1128 và Lipase L3126 kết hợp” do các em thực hiện đã được trao giải nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018 bởi những giá trị thực tế có thể mang lại. “Sau giải thưởng này, nhóm chúng em có thêm động lực để phát triển dự án này hoàn thiện hơn để có thể thương mại hóa, giải quyết tối ưu được phụ phẩm từ đầu tôm. Hiện tại, nhóm đang hướng tới thử nghiệm một loại enzyme mới để tối đa được hiệu suất thu được”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

Cần đẩy mạnh nghiên cứu

Tại Hội thảo quốc tế “Công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam” do Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức mới đây, PGS-TS Trang Sỹ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, nêu thực tế phụ phẩm tôm gồm vỏ, tụy, gan và đầu tôm lâu nay vẫn chỉ dùng để làm thức ăn gia súc. Trong khi các nghiên cứu cho thấy, dinh dưỡng chứa trong phụ phẩm tôm rất nhiều: lipid 8%, chitin 20% và protein 48%. Các nhà khoa học của Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu và ứng dụng khoa học để chế biến từ phụ phẩm tôm ra nhiều chế phẩm hữu ích dùng trong nông nghiệp, thủy sản và y học như dung dịch Chitosan trị bệnh nấm cho xoài, ớt; thu hồi protein trong chế biến cá tra, keo tụ các chất thải, tảo; kiểm soát bệnh dịch, giải phóng kiểm soát vaccine; giải phóng kiểm soát các chất phụ gia thực phẩm như protein, astaxanthin, chất mang vitamin.

Còn theo ông Phan Thanh Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Nam Food (VNF), phụ phẩm thủy sản từ lâu đã được các quốc gia tiên tiến quan tâm và phát triển thành công. Nếu ứng dụng công nghệ sẽ tăng giá trị cho phụ phẩm tôm lên gấp nhiều lần. “Từ 1kg đầu tôm, nếu bán cho đơn vị sản xuất thức ăn gia súc chỉ thu được vài ngàn đồng; nếu chiết xuất ra chất dẫn dụ phục vụ cho ngành thực phẩm, công nghiệp, thức ăn gia súc sẽ bán ra hơn 20.000 đồng/kg; nếu dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất bột tôm, muối tôm, giá bán tăng lên 100.000 đồng/kg; đặc biệt, khi nghiên cứu ra chất chitosan dùng làm màng bọc thực phẩm thì giá bán đến 400 - 500 USD/kg”, ông Phan Thanh Lộc dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp và nhà khoa học, điều còn thiếu hiện nay là những chính sách riêng biệt hỗ trợ khâu chế biến và phát triển thị trường sản phẩm từ phụ phẩm tôm. Lâu nay, các chính sách hỗ trợ bị lồng ghép trong những chính sách về phát triển chế biến, mở rộng thị trường thủy sản; chính sách về KH-CN hay chuyển giao công nghệ. Cụ thể, nhà nước cần có những hỗ trợ cần thiết cho việc phát triển công nghệ sản xuất và phát triển thị trường cho những sản phẩm chế biến tôm nói chung và chế biến phụ phẩm tôm nói riêng; xây dựng những cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhóm nghiên cứu tận dụng phụ phẩm này.

Mới đây, Bộ KH-CN phối hợp Trường Đại học Nha Trang và VNF lần đầu tiên cho ra đời Quỹ hỗ trợ phát triển ngành phụ phẩm tôm Việt Nam. Mục đích chính là để hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, nghiên cứu sản xuất, phát triển các sản phẩm từ ngành này. Ngay sau khi thành lập, quỹ đã trao 1,5 tỷ đồng hỗ trợ các sinh viên chuyên ngành thuộc Trường Đại học Nha Trang.

LÊ DUY - GIA QUẢNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khai-thac-mo-vang-tu-phu-pham-tom-563018.html