Khai thác nước quá thời hạn trong giấy phép, xử lý thế nào?
Công ty của ông Bùi Quang Khanh (Đồng Tháp) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước dưới đất từ ngày 18/7/2013, thời hạn 5 năm. Do thiếu sót trong việc theo dõi thời hạn nên khi giấy phép hết hạn, công ty vẫn tiếp tục khai thác nước dưới đất.
Trong thời gian quá hạn, công ty vẫn kê khai và tính nộp thuế tài nguyên nước dưới đất đầy đủ với cơ quan thuế.
Sang năm 2019, công ty ông Khanh xin cấp giấy phép mới với loại tài nguyên là mặt nước và ngày 22/1/2019, công ty được UBND tỉnh cấp giấy phép mới. Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 18/7/2018 đến ngày 21/1/2019, công ty đã khai thác nước dưới đất trong khi chưa được cấp giấy phép.
Ông Khanh hỏi, công ty ông có được thực hiện bổ sung lại các thủ tục cần thiết để bảo đảm phù hợp về tính pháp lý đối với việc khai thác tài nguyên nước không? Nếu được thực hiện bổ sung thì trình tự và các thủ tục thực hiện như nào? Nếu không được bổ sung thủ tục thì công ty sẽ bị xử lý ra sao?
Về hồ sơ kê khai nộp thuế tài nguyên, trong khoảng thời gian chưa được cấp giấy phép khai thác, công ty vẫn kê khai nộp thuế tài nguyên nước dưới dất (theo khai thác thực tế) là có phù hợp với quy định hay không? Nếu chưa phù hợp thì cần bổ sung điều chỉnh như thế nào để đúng với quy định hiện hành?
Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp trả lời như sau:
Trong thời gian giấy phép hết hạn nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác nước dưới đất là hành vi vi phạm, nếu được cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, ghi nhận thì doanh nghiệp sẽ bị xử lý hành vi khai thác nước dưới đất không có giấy phép theo quy định.
Hiện nay chủ trương chung trên địa bàn tỉnh chấp thuận cho các doanh nghiệp có công suất khai thác từ 190 m3/ngày – đêm trở lên được gia hạn khai thác nước dưới đất đến ngày 30/6/2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ thời gian xây dựng hệ thống khai thác, xử lý nước mặt thay thế nước dưới đất hoặc chuyển qua sử dụng nguồn nước khác (hệ thống cấp nước thủy cục tập trung).
Đối với trường hợp doanh nghiệp của ông Bùi Quang Khanh nêu, hiện đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác nước mặt, do đó, nếu doanh nghiệp còn khó khăn về nguồn nước sử dụng (hệ thống khai thác nước mặt chưa đáp ứng nhu cầu, khu vực chưa có hệ thống cấp nước tập trung…) thì doanh nghiệp có thể lập văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương cho lập lại thủ tục cấp giấy phép khai thác nước dưới đất (kèm theo các giấy tờ có liên quan để chứng minh).
Nếu được UBND tỉnh chấp thận chủ trương, doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác nước dưới đất với thời hạn đến 20/6/2020 (thành phần hồ sơ theo quy định của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ, Mẫu hồ sơ theo quy định của Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong quá trình lập hồ sơ tuân thủ điều kiện năng lực theo quy định của Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT ngày 24/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) nộp đến Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, cấp phép đúng theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp không còn nhu cầu khai thác nước dưới đất thì lập văn bản gửi UBND tỉnh thông báo ngưng khai thác (đồng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường biết), sau đó thực hiện quy trình trám lấp giếng khoan theo đúng quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng.
Kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Đến nay doanh nghiệp chưa có văn bản pháp lý nào gửi đến cơ quan có thẩm quyền thông báo ngừng khai thác nước dưới đất, do đó, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, với thời gian tính tiền từ ngày 1/9/2017 (ngày Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực) đến thời điểm hiện tại (ngày doanh nghiệp gửi văn bản thông báo ngừng khai thác nước dưới đất đến cơ quan có thẩm quyền).
Ngoài ra, đối với công trình khai thác nước mặt đã được cấp phép, doanh nghiệp cũng phải thực hiện lập bản kê khai tính tiền cấp quyền khai thác nộp đến Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Riêng việc thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên, doanh nghiệp liên hệ cơ quan quản lý thuế để được hướng dẫn.