Khai thác rừng bền vững, hiệu quả

ĐBP - Những năm gần đây, nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã biết phát huy tiềm năng kinh tế rừng, tăng thu nhập để thoát nghèo, đồng thời góp phần bảo vệ, phát triển rừng.

Thành viên CLB Quản lý, Bảo vệ rừng khu vực Hạ Thanh thường xuyên tuần tra, bảo vệ diện tích rừng được giao.

Tăng thu nhập dưới tán rừng

Xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) hiện có tỷ lệ che phủ rừng trên 50%. Nhiều năm qua, định hướng phát triển kinh tế rừng đã được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Từ đó xã đã chủ động triển khai nhiều biện pháp cụ thể để bảo vệ và phát triển vốn rừng. Một trong những giải pháp hiệu quả là trồng cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng và trồng cây sơn tra trên những diện tích đất trống đồi trọc. Vì vậy mà rừng ở Tênh Phông luôn được giữ gìn, phát triển.

Gia đình ông Mùa Dúa Vàng ở bản Ten Hon, xã Tênh Phông là một trong những hộ tiên phong khai thác hiệu quả kinh tế rừng bằng trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Từ 100 gốc thảo quả trồng thử nghiệm ban đầu, ông Vàng đã nhân rộng lên 3ha, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng. Ông Mùa Dúa Vàng cho biết: “Thảo quả là cây trồng cho năng suất tương đối cao, dễ trồng, cần ít công chăm sóc. Sau khi trồng chỉ cần thường xuyên phát cây cỏ xâm lấn, dây leo là cây có thể phát triển ổn định”.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thảo quả, các hộ dân trong bản đều học theo ông Vàng. Đến nay xã Tênh Phông đã có hơn 60ha thảo quả, tập trung tại các bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa. Những năm gần đây, thảo quả được giá, được mùa mang lại thu nhập khá cho người dân xã Tênh Phông. Hộ thu nhập ít thì 10 triệu đồng/năm; hộ có diện tích lớn mỗi năm thu khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Anh Mùa A Hạ, bản Ten Hon cho biết: “Gia đình tôi được giao hơn 1ha rừng để chăm sóc, bảo vệ. Hàng năm vào đầu mùa khô hanh, gia đình tôi đều tổ chức phát dọn đường băng cản lửa để giữ rừng. Học theo mô hình của ông Vàng, gia đình tôi trồng hơn 500m2 cây thảo quả dưới tán rừng. Năm vừa rồi cũng thu được gần 7 triệu đồng”.

Làm giàu vốn rừng

Nếu như người dân xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) tăng thu nhập từ trồng thảo quả dưới tán rừng thì các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Quản lý, bảo vệ rừng khu vực Hạ Thanh (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) lại chọn cách phủ xanh đất trống, đồi trọc thành rừng và đã mang lại nguồn thu đáng kể. CLB là nơi sinh hoạt của gần 60 hội viên người cao tuổi thuộc 8 bản trên địa bàn xã Thanh Nưa cùng góp sức quản lý, bảo vệ rừng. Năm 1995, hưởng ứng chủ trương trồng cây gây rừng của Nhà nước, tiền thân của CLB là tổ hưu trí liên bản nhận giao khoán hơn 42ha đất đồi (trong đó có 40ha khoanh nuôi bảo vệ và 12,7ha rừng trồng mới). Khi ấy, những quả đồi là nương cũ của người dân, chỉ có cây dại phát triển. Các thành viên miệt mài trong nhiều tháng cuốc hố trồng cây, phủ xanh toàn bộ diện tích. Sau gần 30 năm, nơi đây đã thành rừng cây bạt ngàn, là “lá phổi xanh” mang lại môi trường sống trong lành, mát mẻ. Hưởng lợi từ rừng, nhiều hộ thành viên nghèo của CLB được lấy gỗ dựng nhà, đảm bảo nơi ở, ổn định cuộc sống. CLB cũng đã 2 lần khai thác, xuất bán gỗ vào năm 2010, 2017. Số tiền bán gỗ được CLB nhập quỹ để tạo nguồn vốn cho các thành viên vay lãi suất thấp phát triển kinh tế. Tất cả số tiền được sử dụng đúng mục đích. Từ nguồn quỹ CLB đến nay đã có trên 30 thành viên được vay vốn với tổng số tiền 108 triệu đồng. Mức vay tối đa 10 triệu đồng/hộ. Hầu hết hội viên vay để mua giống, thức ăn chăn nuôi, lúc ốm đau hay làm nhà. Nhờ vậy, nhiều hộ có điều kiện vươn lên, xây dựng cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Ông Lò Văn Cu, bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, Chủ tịch CLB Quản lý, bảo vệ rừng khu vực Hạ Thanh chia sẻ: Ngoài việc sử dụng quỹ tạo nguồn vốn vay, CLB còn thường xuyên thăm hỏi, động viên các thành viên lúc ốm đau, bệnh tật, gặp biến cố trong cuộc sống. Hàng năm tổ chức gặp mặt, liên hoan, tổ chức đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa, tạo động lực để các thành viên tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm giáo dục con cháu, cộng đồng về trồng và bảo vệ rừng.

Bên cạnh nguồn thu từ bán gỗ, vừa qua 40ha rừng khoanh nuôi của CLB đã được cơ quan chức năng lập hồ sơ đưa vào khu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ông Lường Văn Ọm, thành viên CLB chia sẻ: “Nếu như được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thì đây tiếp tục là động lực khuyến khích người dân chúng tôi tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng”.

Có thu nhập từ các loại cây dược liệu dưới tán rừng và từ trồng rừng là điều các chủ rừng đều mong muốn. Hoạt động kinh tế này vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa giúp bà con hiểu hơn giá trị việc giữ rừng, bảo vệ rừng.

Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186908/khai-thac-rung-ben-vung-hieu-qua