Khai thác tận diệt thủy sản-mối nguy hại lâu dài
Giống như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh cũng có mùa nước nổi hằng năm, không chỉ mang lại phù sa cho đồng ruộng, mà mỗi khi con nước từ thượng nguồn đổ về còn mang theo nguồn lợi thủy sản phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi này ngày càng cạn dần do các hoạt động đánh bắt mang tính 'tận diệt'.
Vào mùa nước nổi, người dân ven sông Vàm Cỏ Đông ở các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và Trảng Bàng đều tạm ngưng canh tác, sản xuất nông nghiệp, tất bật mưu sinh với con nước bằng cách sắm dụng cụ đánh bắt thủy sản như lưới, dớn, lợp... và cả thiết bị xung điện để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống bằng nghề chài lưới lâu năm, hơn 10 năm trở lại đây, nguồn cá tôm ngày càng ít dần.
Ông Nguyễn Văn Tám (ngụ ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) cho biết, trước đây, với tay lưới khoảng 100m và hơn chục cái dớn, mỗi ngày ông kiếm không dưới 10kg cá các loại. Mùa nước nổi năm nay, mỗi ngày ông chỉ kiếm được từ 2 đến 3 kg, bao gồm cả cá, cua, tép...
Theo ông Tám, nguồn cá tôm suy giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhiều người sử dụng xung điện đánh bắt bằng các kiểu như ghe xúc sử dụng kích điện (người trên ghe thả lưới xúc nối điện xuống nước rồi đẩy đi, cá trúng xung điện nổi lên thì họ dùng vợt để vớt). Cách khai thác thủy sản “tàn độc” này khiến nhiều loại cá lớn nhỏ chết sạch.
Theo một người dân ngụ ấp Voi (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu), mùa lũ hằng năm vốn là mùa mưu sinh của người dân vùng trũng. Trải dài từ cánh đồng An Thạnh về tới 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng có hàng ngàn hộ dân mưu sinh với nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi, có hộ kiếm tiền triệu mỗi ngày. Tuy nhiên, đó là chuyện của hơn chục năm về trước, hiện tại, nguồn lợi thủy sản giảm mạnh, đồng thời cá bắt được có giá trị không cao, chủ yếu là cá mồi dùng để nuôi cá lóc…
Ông Dũng, nông dân ngụ ấp An Thới (xã An Hòa, huyện Trảng Bàng) cho hay, nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi những năm gần đây dần cạn kiệt, nhiều loại cá đã tuyệt chủng, không ai còn thấy nữa. “Nhiều người dùng các loại lưới mắt nhỏ, dớn, đáy… có lỗ chỉ khoảng 1mm khiến cá, tôm, tép gì vào cũng dính sạch.
Thậm chí, nhiều người dùng kích điện bắt cá lóc đang dẫn con rồi dùng rổ hốt hết cả bầy ròng ròng thì bảo sao ít cá? Với cái đà này thì chỉ vài năm nữa, chẳng còn con cá nào nữa đâu!” - ông Dũng ngao ngán nói.
Tình trạng đánh bắt kiểu tận diệt không chỉ trong mùa nước nổi mà gần như quanh năm khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, lượng cá tôm các loại suy giảm nghiêm trọng. Dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng trên thực tế vẫn chưa ngăn chặn được hiệu quả.
Theo một người dân xã Ninh Điền, việc đánh bắt cá bằng các loại lưới mắt nhỏ cũng là việc làm “không ai muốn”, bởi với số lượng cá tôm như hiện nay mà chỉ bắt cá to thì có khi cả ngày cũng chẳng kiếm được con nào. “Tôi hiểu đánh bắt như thế này là tận diệt, nhưng nếu tôi không bắt thì người khác cũng bắt kiểu đó mà thôi” - người này ngần ngại chia sẻ.
Đang trút dớn được một thau cá tạp (gồm nhiều loại cá, tép nhỏ, cua...), ông V.H (ngụ ấp Long Chẩn, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành) cho hay, ông có khoảng 13 cái dớn, lỗ nhỏ khoảng 1mm nên gần như thứ gì vào cũng dính, mà số lượng chẳng đáng bao nhiêu. Theo ông H, ông đánh bắt cá như vậy là “còn đỡ”, nhiều người còn dùng xung điện đánh bắt cá.
Theo một phụ nữ bán cá tại ngã ba Long Vĩnh - Ninh Điền, ròng ròng có giá khoảng 200.000 đến 240.000 đồng/kg tùy kích cỡ, do người dân bắt cá lóc bố mẹ rồi dùng rổ xúc luôn. Bà này cho biết, khách cần thì mình bán chứ không hề biết có bị cấm hay không. Đây không phải là nơi duy nhất bày bán các loại cá con đánh bắt theo kiểu tận diệt. Dọc theo một số tuyến đường như 786, đường An Thạnh - Trà Cao, quốc lộ 22B… nhiều người dân vẫn bày bán cá ròng ròng.
Từ đầu mùa lũ đến nay, trên khắp các cánh đồng rất dễ dàng nhìn thấy các loại dớn, đăng có mắt lưới rất nhỏ (ngư cụ cấm) được người dân vô tư sử dụng để bắt thủy sản, nhưng không thấy có sự can thiệp, xử lý của chính quyền các địa phương. Thêm vào đó, tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi.
Theo ông Võ Văn Vinh - Phó trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình trạng đánh bắt “tận diệt” vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều người dân sử dụng các loại dụng cụ khai thác tận thu, tận diệt, kể cả xuyệc điện, hóa chất nguy hiểm. Phổ biến nhất hiện nay là tình trạng dùng lưới mắt nhỏ, lưới cào điện để khai thác cá nhỏ làm thức ăn và phục vụ cho nhu cầu nuôi thủy sản.
Trong khi đó, lực lượng thanh tra thủy sản của Chi cục thì quá mỏng, công tác phối - kết hợp với các địa phương chưa được thường xuyên. Thêm cái khó của cán bộ Chi cục là họ không có quyền ra quyết định xử phạt các hành vi vi phạm - mà là chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Vinh, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định sáp nhập Ban Chỉ đạo chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh vào Ban Chỉ đạo chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, do Giám đốc Sở NN&PTNT làm trưởng ban, cùng với lãnh đạo các sở, ngành có liên quan nhằm xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân tham gia đánh bắt thủy sản; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra truy quét các đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/khai-thac-tan-diet-thuy-san-moi-nguy-hai-lau-dai-a116050.html