Khai thác thế mạnh An Giang

Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về 'Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' được xem là đột phá phát triển cho vùng đất 'Chín Rồng'. Đối với An Giang, đây là cơ hội để tỉnh phát huy lợi thế là vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL và cửa ngõ kết nối ASEAN.

Xây dựng An Giang thành trung tâm đầu mối nông nghiệp

Xây dựng An Giang thành trung tâm đầu mối nông nghiệp

Xây dựng An Giang hiện đại, văn minh

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW, Chính phủ đã ra Nghị quyết 78/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. Ngày 15/11/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động 14-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 34/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ. Đây là những cơ sở quan trọng để đưa chủ trương của Trung ương vào cuộc sống.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030 là xây dựng một An Giang hiện đại, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa, sinh thái đặc thù miền sông nước của vùng đầu nguồn sông Mekong. Tỉnh có kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu.

An Giang là trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng về lúa gạo, thủy sản nước ngọt, rau màu, cây ăn trái; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia. Đồng thời, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử; củng cố quốc phòng và an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Quyết tâm cao

Ông Lê Văn Phước cho biết, tỉnh đặt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 7%/năm. Quy mô nền kinh tế tỉnh đến năm 2030 gấp khoảng 2 lần so năm 2021. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%, công nghiệp - xây dựng khoảng 25%, dịch vụ khoảng 50%, thuế và trợ cấp khoảng 5%. Đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người của An Giang khoảng 157,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa trên 50%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 30% số xã nông thôn mới nâng cao.

An Giang đặt kỳ vọng lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, khi đặt chỉ tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 39%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp khoảng 75%. Trong khi đó, 70% cơ sở giáo dục công lập toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Bình quân trên 10.000 dân, tỉnh đạt khoảng 29,4 giường bệnh viện, 11 bác sĩ, 1,8 dược sĩ đại học, 30 điều dưỡng. Phấn đấu đến cuối năm 2030, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.

Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 3,1%; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt phát sinh đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường tại đô thị đạt 100%, tại nông thôn đạt trên 80%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề được thu gom, vận chuyển và xử lý 100%.

Về tầm nhìn đến năm 2045, An Giang có trình độ phát triển khá, chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao, là trung tâm kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững. Tỉnh có nền sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao trong khu vực ĐBSCL và cả nước; phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động trong ngắn hạn, gia công lắp ráp, công nghiệp năng lượng tái tạo. An Giang là trung tâm du lịch tâm linh, sinh thái của vùng và cả nước; là đầu mối và cửa ngõ giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN.

Tăng liên kết vùng

Để thực hiện tốt Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn An Giang, tỉnh xem công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội có vai trò rất quan trọng. Tỉnh chủ động phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản của các nghị quyết và định hướng phát triển của An Giang trong bối cảnh phát triển chung của vùng ĐBSCL, tạo sự đồng thuận cùng hành động.

Bên cạnh đó, tuyên truyền về tầm quan trọng của liên kết vùng và vị thế, vai trò của tỉnh An Giang đối với vùng ĐBSCL và cả nước, nhất là đối với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh thương mại và trung tâm kinh tế nông nghiệp của toàn vùng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò thành viên của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025; nâng cao trách nhiệm của thành viên Hội đồng điều phối vùng trong đề xuất cơ chế, chính sách đẩy mạnh liên kết vùng.

An Giang còn phối hợp tham gia các hoạt động hợp tác với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, ASEAN và các định chế quốc tế khác. Tỉnh quan tâm triển khai thực hiện tốt các bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL; phối hợp triển khai các công trình, dự án có quy mô liên tỉnh...

Phấn đấu đến năm 2027, An Giang phối hợp các bộ, ngành Trung ương và các địa phương hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), làm cơ sở kết nối trong vùng. Đồng thời, nâng cấp hệ thống quốc lộ chính yếu; đầu tư các trục kết nối từ cao tốc đến các khu công nghiệp, cảng thủy nội địa, trung tâm đầu mối nông sản.

-NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khai-thac-the-manh-an-giang-a359283.html