Khai thác thế mạnh của mạng xã hội để truyền thông chính sách
Ngày 21/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 7/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Hiện nay, ngoài hình thức truyền thống, truyền thông chính sách thông qua mạng xã hội đang trở thành xu thế mới trong thời kỳ công nghệ số.
Vì vậy, việc chủ động khai thác, tận dụng những thế mạnh của mạng xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cũng như tạo ra những lợi ích to lớn trong thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách.
Thực tế đã cho thấy, nếu những thông tin về chính sách được lan tỏa, phổ biến theo cách thức đa dạng, dễ tiếp cận sẽ giúp cho người dân dễ dàng nắm bắt và vận dụng trên thực tiễn, giúp những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhanh chóng phát huy hiệu quả trong đời sống.
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quan tâm và đánh giá cao vai trò của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, cũng như các chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nghiên cứu kỹ hiện tượng mạng xã hội quảng bá phim “Đào, Phở và Piano” để áp dụng vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hiện nay, việc sử dụng truyền thông chính sách thông qua mạng xã hội đang là xu hướng phổ biến trên thế giới vì có tính ưu việt vượt trội. Không chỉ người dân mà nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã nhanh nhạy sử dụng mạng xã hội như một công cụ không thể thiếu trong điều hành, quản trị xã hội và truyền thông chính sách. Việt Nam đang có nhiều lợi thế về vấn đề này bởi tiềm năng hệ sinh thái truyền thông trên không gian mạng của chúng ta rất lớn.
Tính đến năm 2023 Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 79,1% dân số. Với một nền tảng rộng lớn cho phép hàng triệu người cùng lúc truy cập, một thông tin liên quan đến chính sách xã hội được truyền đi có thể tạo ra hiệu ứng rất mạnh mẽ, nếu chúng ta biết cách làm thông tin đó trở nên hấp dẫn và nổi bật. Do đó, việc nắm giữ công cụ truyền thông mạng xã hội sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước phổ cập nhanh chóng các chính sách mới đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời dễ dàng lắng nghe, ghi nhận sự phản hồi, tương tác từ phía người dân để có những điều chỉnh kịp thời.
Nhìn lại giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19, mạng xã hội đã phát huy tốt vai trò của mình trong truyền thông chính sách, cũng như cập nhật thông tin, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở đa phần đều có các trang mạng xã hội ngày càng tích hợp nhiều tính năng dễ sử dụng, dễ tương tác, có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản. Thông qua mạng xã hội, nhiều cơ quan nhà nước đã thiết lập được đường dây kết nối thông tin, phổ biến chính sách nhanh, hiệu quả đến cộng đồng, cũng như khuyến khích người dân đồng hành cùng chính quyền.
Song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, tại một số địa phương, ban, ngành việc tổ chức trang mạng xã hội, nhất là những nội dung liên quan đến công tác truyền thông chính sách còn đơn điệu, nghèo nàn, thiếu sáng tạo, chưa thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân. Không ít trang mạng mới chỉ dừng ở mức “lập ra cho có”, thiếu sự chăm sóc, không thường xuyên cập nhật các thông tin mới, phần mềm chưa thân thiện. Một số tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của mạng xã hội trong truyền thông chính sách, chưa tận dụng những ưu điểm vượt trội của mạng xã hội trong truyền tải và lưu giữ thông tin.
Đề cập sức mạnh của truyền thông mạng xã hội trong phổ biến kiến thức pháp luật, cũng tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu thí dụ: “Có những TikToker, blogger phân tích Khoản 4 của Luật Đất đai, tức là định nghĩa thế nào là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt Nam...
Một buổi lên sóng như vậy thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem”. Tức là khi một cá nhân có ảnh hưởng đề cập đến các chính sách, pháp luật trên mạng xã hội có thể mang lại một hiệu quả rất lớn. Cũng như vậy, nếu mạng xã hội của một tổ chức nhà nước thu hút lượng người truy cập lớn, có cách làm sáng tạo trong truyền thông chính sách thì hiệu quả sẽ vượt trội so với các cách thức truyền thống.
Vậy, để truyền thông chính sách qua mạng xã hội phát huy tính hữu dụng, giải pháp là gì? Thiết nghĩ, đầu tiên phải bắt đầu từ nhận thức. Mạng xã hội và những ưu việt của nó đã và đang tạo ra một “cuộc chơi” mới đòi hỏi các cơ quan quản lý phải thay đổi nhận thức. Rõ ràng trong việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân nhanh chóng, kịp thời, không thể bỏ qua vai trò của mạng xã hội.
Do đó các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tận dụng triệt để những ưu thế của mạng xã hội, nâng cấp các trang thông tin của đơn vị mình sao cho thân thiện, dễ truy cập, dễ sử dụng, nội dung sinh động, phong phú, hấp dẫn. Chẳng hạn cần chủ động mời những chuyên gia am hiểu về chính sách, có ảnh hưởng trên mạng xã hội tham gia phân tích, bình luận trực tiếp trên trang cá nhân, hoặc tổ chức những buổi hội thảo trực tuyến với hình thức phong phú nhằm thu hút nhiều đối tượng tham gia.
Tích cực chuyển đổi từ tuyên truyền một chiều sang tương tác đa chiều, sao cho gần gũi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Không ngừng phát huy vai trò, sức mạnh, sức sáng tạo của cả cộng đồng, để người dân và chính quyền cùng đồng hành, tương trợ, chung sức tuyên truyền các chính sách mới một cách thuyết phục.
Truyền thông chính sách đòi hỏi phải có một chiến lược bài bản, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước chủ động đưa ra các tiêu chí nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp và hiệu quả, tránh được các ý kiến tiêu cực vốn là mặt trái khó kiểm soát trên mạng xã hội. Đồng thời cần đề cao cảnh giác trước những chiêu trò của các cá nhân và tổ chức thù địch, thiếu thiện chí, sẵn sàng lợi dụng kẽ hở của mạng xã hội để cắt ghép thông tin về chính sách, pháp luật nhằm chống phá Đảng, chống phá Nhà nước.
Sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với người dân thông qua mạng xã hội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc chủ động lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như lợi ích của quốc gia trước những thông tin xấu, độc, xuyên tạc về chính sách. Xây dựng chiến lược còn là cách để các cơ quan quản lý đầu tư, xây dựng những điểm nhấn thông tin phù hợp, có tính định hướng để thông điệp truyền thông chính sách trở nên nổi bật, là nguồn thông tin chủ đạo tại một thời điểm, không bị mờ nhạt, chìm trong biển thông tin bất tận, thậm chí nhiễu loạn trên mạng xã hội.
Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thông qua mạng xã hội các cấp, ngành, đơn vị cần quan tâm đào tạo, nâng cao kỹ năng cho các chuyên gia, các nhà quản lý. Đồng thời cần chú trọng đầu tư cho công nghệ để tạo sự chuyên nghiệp, thuận tiện cho hoạt động truyền thông, nhanh chóng kịp thời đưa thông tin đến người dân và tăng khả năng tương tác với người dân.
Cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, bảo đảm một môi trường mạng xã hội lành mạnh, nhân văn, trách nhiệm. Trong môi trường đó, nhà quản lý và người dân có thể cùng lúc tiếp cận các chính sách mới, phản hồi và có những đóng góp tích cực nhằm xây dựng một xã hội văn minh, kỷ cương.
Hiện nay mạng xã hội đã và đang trở thành một phần quan trọng trong đời sống của đại đa số người dân, nhất là với tầng lớp thanh niên. Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội vào công tác truyền thông chính sách vì thế càng trở nên có ý nghĩa quan trọng. Vấn đề này cũng được chỉ rõ trong Chỉ thị số 7/CT-TTg: “Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành.
Nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam”. Nhận thức sâu sắc điều này sẽ giúp các nhà quản lý và mỗi người dân hiểu được vai trò của mình, cùng đồng hành chia sẻ, đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 mà Đảng ta đã đề ra.