Khai thác thế mạnh ngành chăn nuôi
Câu nói dân gian 'muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo' cho thấy giá trị lớn của ngành chăn nuôi mang lại. Nếu có các doanh nghiệp (DN) lớn tham gia, xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư hợp lý cho nghiên cứu thì thế mạnh ngành chăn nuôi An Giang sẽ được vực dậy.
Sụt giảm tổng đàn
An Giang từng nổi tiếng với thương hiệu bò Bảy Núi nhưng những năm gần đây, 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên lại là những địa phương có số lượng đàn bò giảm nhanh. ThS Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang cho biết, thống kê đến đầu năm 2019, tổng đàn bò toàn tỉnh chỉ còn chưa tới 70.000 con, giảm gần 12.000 con so cùng kỳ, giảm mạnh nhất là Tri Tôn (còn 10.749 con, giảm 2.318 con) và Tịnh Biên (còn 15.015 con, giảm 1.563 con). Toàn tỉnh hiện chỉ có 1 DN chăn nuôi bò là Công ty TNHH MTV SD (Tri Tôn) với số lượng 567 con. Đối với hộ nuôi bò có quy mô từ 30 con trở lên, cũng chỉ được 13 hộ.
Theo ông Hiệp, nguyên nhân khiến đàn bò giảm là do giá thịt bò hơi giảm thấp trong thời gian dài, lợi nhuận nuôi bò thấp (từ 0,65 - 1 triệu đồng/con/tháng) nên không hấp dẫn người nuôi. Trong khi đó, giá thịt bò hơi nhập khẩu rẻ hơn từ 30-40% so bò nội địa càng ảnh hưởng đến phát triển đàn. Đối với đàn trâu, cũng giảm mạnh, hiện chỉ còn 2.580 con (giảm 685 con so cùng kỳ).
Bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết, bình quân mỗi năm, An Giang tiêu thụ khoảng 550.000 con heo nhưng chỉ tự sản xuất được khoảng 150.000 con, còn 400.000 nhập từ các tỉnh khác về giết mổ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi lây lan vào tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tín hiệu khả quan là có một số DN đã và đang phát triển đàn heo giống, heo thịt với quy mô lớn. Trong đó, Công ty TNHH Giống chăn nuôi Việt Thắng đang phát triển 8.000 con heo ở trại An Giang 1 (xã Lương An Trà, Tri Tôn) với nguồn con giống cụ kỵ nhập từ Đan Mạch, trong khi trại An Giang 2 (xã Lương Phi, Tri Tôn) nhân giống ra ông bà, bố mẹ. Ở trại chăn nuôi Vĩnh Khánh (thuộc Công ty Afiex) đang nuôi 3.000 con giống. Đối với nuôi gia công, trại Hoàng Vĩnh Gia (Tri Tôn) đang nuôi 7.500 con heo thịt/lứa, trại An Khang (Tịnh Biên) nuôi 3.000 con/lứa, cung ứng cho Tập đoàn CP (Thái Lan). “Ngành CN&TY đang tập trung bảo vệ đàn heo giống 9.000 con của Việt Thắng và trại Vĩnh Khánh. Khi tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi được kiểm soát, đây sẽ là những nơi cung cấp nguồn heo giống chất lượng để tái đàn” - bà Xoàn thông tin.
Phát triển chăn nuôi lớn
Trong bối cảnh đàn gia súc gặp khó khăn thì đàn gia cầm lại có sự phát triển khá, đặc biệt là chăn nuôi quy mô lớn. Ông Trần Tiến Hiệp cho biết, tính đến đầu năm 2019, đàn gia cầm toàn tỉnh có 4,51 triệu con (tăng 1,98% so cùng kỳ), gồm 1,3 triệu con gà và 3,2 triệu con vịt. Có 15 hộ nuôi đàn gà với quy mô lớn (từ 1.000 con trở lên). Riêng Công ty TNHH Chăn nuôi công nghệ cao An Khang nuôi đàn gà 30.000 con, cung cấp cho thị trường 348 tấn thịt hơi trong năm 2018. Đối với đàn vịt, ngoài hình thức nuôi vịt chạy đồng thì trại nuôi vịt quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn an toàn sinh học cũng phát triển đáng kể. Hiện nay, đàn vịt chăn nuôi quy mô lớn có 217.800 con (bình quân 990 con/hộ). Riêng nuôi quy mô đàn từ 2.000 con trở lên, có 38 hộ tham gia. Bên cạnh đàn gà và vịt thì một loại hình mới đang phát triển nhanh là nghề nuôi chim yến lấy tổ. Từ nhà yến đầu tiên xuất hiện ở An Giang năm 2008, đến nay toàn tỉnh đã phát triển hơn 600 nhà yến. Đây là loại hình có giá trị kinh tế cao nhưng phát triển tự phát. Chi cục CN&TY đang rà soát, quản lý và định hướng phát triển nhà yến theo Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND, ngày 27-11-2018 của UBND tỉnh (ban hành quy định về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh An Giang).
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước, tiềm năng phát triển đàn gia súc trên địa bàn An Giang là rất lớn khi nguồn thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp rất phong phú, điều kiện tự nhiên phù hợp. Tuy nhiên, việc tổ chức chăn nuôi nhỏ lẻ ngày càng tỏ ra không còn phù hợp khi khó áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để giảm giá thành chăn nuôi, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tín hiệu vui là đang có một số DN quan tâm đầu tư chăn nuôi lớn và xây dựng chuỗi liên kết với người nuôi vệ tinh. Trong đó, Tập đoàn TH đang xúc tiến triển khai dự án nuôi 20.000 con bò sữa ở Tri Tôn, nghiên cứu mở rộng thêm 10.000 con theo hình thức hợp tác với người dân địa phương…
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/khai-thac-the-manh-nganh-chan-nuoi-a249483.html