Khai thác thị trường nội địa - đường tiến cho doanh nghiệp
Khi thị trường xuất khẩu gặp khó, đơn hàng vẫn trong đà giảm và khó đoán định, thì đầu tư trở lại để khai thác sức mua từ thị trường trong nước với 100 triệu dân là đường tiến cho nhiều doanh nghiệp.
Đầu tư vào thị trường gần 100 triệu dân
Phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu là những chỉ đạo mới nhất của Chính phủ nêu tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2023. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sụt giảm mạnh do sức mua của nhiều thị trường toàn cầu yếu đi.
Có thể nói rằng, thị trường nội địa đang là điểm tựa cho nhiều doanh nghiệp lúc này, khi kinh tế khó khăn, sức mua tại các thị trường đối tác giảm mạnh, khiến đơn đặt hàng suy giảm. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm dư địa duy trì được tăng trưởng trong dài hạn.
Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thương hiệu đồ nội thất và hàng gia dụng Mimasi Home đã hiện thực hóa chiến lược tăng độ phủ tại thị trường nội địa, cụ thể là kế hoạch “Bắc tiến” bằng việc khai trương cùng lúc 2 cửa hàng trang trí nội thất theo mùa tại Hà Nội.
Theo ông Khoa Trần, Giám đốc thương hiệu Mimasi Home, đại dịch kéo dài đã khiến khách hàng dần chuyển qua mua sắm trực tuyến, vô hình trung là một trong những yếu tố trở ngại cho mô hình cửa hàng mua sắm trực tiếp truyền thống. Nhận diện được khó khăn này, Mimasi Home đang hoàn thiện cửa hàng theo phong cách mùa ở dạng ý tưởng, màu sắc và kiểu dáng nhằm kéo khách hàng đến mua sắm trực tiếp để có cái nhìn rõ ràng và trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ một cách tốt nhất.
Cùng với đó, Mimasi Home xây dựng điểm đến một chạm, tăng ưu đãi nhằm giúp khách hàng được lợi nhất khi trải nghiệm mua sắm trực tiếp.
Trong bản báo cáo mới nhất, HSBC cho biết, dù xuất 2 tháng giảm 10,4% so với cùng kỳ, nhưng doanh số bán lẻ tại Việt Nam vẫn tăng trưởng.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, với 994.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 10,1%; nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng tương ứng 124,4% và 31,6%, do nhu cầu hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Các con số này cho thấy không ít cơ hội cho doanh nghiệp ở thị trường nội địa.
Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) lưu ý, thói quen tiêu dùng trong thời kỳ Covid-19 của một bộ phận người dân vẫn được duy trì đến thời điểm hiện tại, người lao động mất việc làm, nên người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm để tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu hơn là các sản phẩm xa xỉ.
Cung ứng hàng chất lượng cao ra thị trường
Thị trường nội địa với quy mô dân số gần 100 triệu dân không chỉ hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn chinh phục. Với dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng liên tục được cập nhật, những doanh nghiệp am hiểu thị trường, nghiên cứu kỹ đặc điểm tiêu dùng của phân khúc hàng hóa do mình cung cấp sẽ có nhiều cơ hội thắng lớn.
Khi tiêu dùng được đẩy mạnh, tăng trưởng sản xuất tại các doanh nghiệp gia tăng, kéo theo các mắt xích trong chuỗi cung ứng ngành hàng được hưởng lợi.
Quay trở lại với Mimasi Home, thương hiệu này cho biết, việc sở hữu hệ thống phân phối đang mở rộng mạnh mẽ, cùng hơn 60% sản phẩm được gia công, sản xuất tại Việt Nam được xem là cú hích trong sản xuất, đầu tư của Công ty.
Sức mua thị trường có nhiều triển vọng để các nhà sản xuất hàng hóa chớp cơ hội tăng doanh số bán hàng, nhưng yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh, trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản rất sẵn và phong phú về chủng loại.
Do đó, tại nghị quyết phiên họp thường kỳ mới nhất, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất nâng cao nhận thức về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay đổi dần tư duy sản xuất.
Được biết, Đề án Tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030 đặt mục tiêu tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 13 - 13,5%/năm. Đồng thời, phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước, kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất trong nước và nâng cao nội lực của nền kinh tế trên cơ sở mở rộng tiêu dùng nội địa gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.