Khai thác thị trường nội địa, giảm phụ thuộc cho nông sản

Nông sản xuất khẩu của Tuyên Quang hiện chủ yếu theo con đường tiểu ngạch. Thời điểm dịch bệnh, việc xuất khẩu gặp khó do các nước hạn chế thông thương, khiến người nông dân rơi vào tình trạng nông sản ùn ứ mà không có thương lái thu mua. Hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang tích cực tìm kiếm thị trường mới, trong đó tập trung khai thác thị trường nội địa để giảm phụ thuộc cho sản phẩm.

Qua rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 294 hợp tác xã và 859 trang trại, nông lâm nghiệp thủy sản, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp, HTX, trang trại còn khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản như cá đặc sản, đường kính... Toàn tỉnh hiện có trên 60 điểm du lịch Homestay trong các vùng nông thôn, thời gian này lượng khách giảm, ảnh hưởng đến thu nhập hộ nông thôn, giảm sức mua nông sản hàng hóa thông qua dịch vụ này.

Anh Lê Văn Thứ, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) tiếp tục duy trì đàn gia súc, hướng đến chế biến sâu.

Anh Lê Văn Thứ, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) tiếp tục duy trì đàn gia súc, hướng đến chế biến sâu.

Thành viên chăn nuôi của Hợp tác xã Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) khóc dở, mếu dở khi hơn 1.000 con trâu, bò đã quá lứa xuất chuồng 3 tháng nay vẫn… nằm chuồng. Trung bình mỗi ngày, những người chăn nuôi ở đây phải bỏ ra từ 30 - 50 nghìn đồng chi phí cho cám bã, thức ăn để nuôi một con trâu hoặc bò. Theo ông Lê Văn Thứ, Giám đốc Hợp tác xã, giờ mỗi con trâu nếu bán được đã lỗ gần 10 triệu đồng, mà không có thị trường. Trước đây, toàn bộ trâu bò của Hợp tác xã Tiến Quang xuất khẩu tiểu ngạch sang phía Trung Quốc. Ông Thứ cho biết, việc tìm được vật nuôi phù hợp với đồng đất, địa hình và điều kiện của người dân ở Vinh Quang không phải đơn giản, chính vì thế, hợp tác xã quyết định phải tìm mọi cách để duy trì, ổn định tình hình cho bà con.

Sản phẩm không xuất khẩu được, anh Thứ tìm cách tiêu thụ trong nước, mà trước hết là trong tỉnh. Anh Thứ liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Hoàng Kim xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Mỗi ngày, đơn vị này sẽ tiêu thụ ít nhất 2 con trâu, bò cho các thành viên trong hợp tác xã. Đồng thời, đầu tư xây dựng một lò mổ, một phần cung cấp thịt trâu bò đông lạnh cho thị trường Đài Loan theo đường chính ngạch và một phần để chế biến thành thịt trâu, bò khô.

Không chỉ những sản phẩm xuất khẩu mới gặp khó khăn về đầu ra, những sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng chịu ảnh hưởng do thời gian vừa rồi việc hạn chế xe cộ đi lại. Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết, từ đầu năm nay, việc tiêu thụ chè của đơn vị chậm lại do dịch bệnh. Tranh thủ thời gian chưa bán được hàng, anh Thắng tận dụng mạng xã hội để livestream trực tiếp quảng bá, giới thiệu tường tận quá trình sản xuất chè hữu cơ của hợp tác xã. Anh Thắng cho biết, hiệu ứng từ việc quảng bá này khá tốt, vì sau một thời gian thực hiện, hợp tác xã đã có thêm một số đơn đặt hàng mới từ các tỉnh Thanh Hóa, Bình Dương, cùng với các bạn hàng cũ ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long dự tính, năm 2020, sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 25 tấn chè VietGAP, giá bán khoảng 250 nghìn đồng/kg và hơn 3 tấn chè hữu cơ, giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/kg.

Toàn tỉnh có 7 nhà máy chế biến gỗ, 2 nhà máy đường, 3 nhà máy chè, 4 trang trại chăn nuôi lớn. Ngoài ra các mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh chủ yếu là chè, bột giấy, đũa gỗ xuất khẩu chính ngạch và đường kính (xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc) thời điểm này đều chậm lại do dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm các đơn hàng mới trong nước, như Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần Chè Sông Lô, 2 nhà máy đường cũng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo ngành Nông nghiệp, đây cũng là cơ hội cho ngành và các địa phương quyết liệt hơn trong việc thực hiện “tái cơ cấu”, chủ yếu là tìm thị trường mới, hướng đi mới cho nông sản. Trong đó, để giảm thiểu việc nông sản phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, ngành Nông nghiệp tập trung kết nối, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các nhà máy, cơ sở chế biến, hợp tác xã, trang trại cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh quy mô sản xuất theo tín hiệu, yêu cầu của thị trường; đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và xuất xứ hàng hóa.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/khai-thac-thi-truong-noi-dia-giam-phu-thuoc-cho-nong-san-131868.html