Khai thác tiềm năng du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nằm ở thượng nguồn sông Chu và thuộc địa giới hành chính của 5 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Xuân Cẩm và Vạn Xuân, huyện Thường Xuân.
Thác Yên trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
Xuân Liên nổi tiếng với khu hệ động thực vật rừng phong phú và đa dạng, với các kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng cho miền Bắc Việt Nam. Xuân Liên có dạng địa hình, địa mạo phong phú, với nhiều đỉnh núi cao như Pù Ta Leo ở hữu ngạn sông Chu cao 1.400m, Pù Gió 1.563m, Pù Hòn Hàn 1.208m và đỉnh núi cao 1.605m nằm về phía Nam bản Vịn, xã Bát Mọt. Những đỉnh núi cao này là những điểm vọng cảnh rất thú vị nếu có thể khai thác phục vụ du lịch. Ngoài ra, trong khu bảo tồn còn một hệ thống hang động và thác nước đẹp, thơ mộng như thác Mù, thác Tiên, thác Hón Yên, thác Hón Ý,...; hang Dơi, hang Cáu, hang Tình, hang Quan, hang Vua...
Bên cạnh giá trị nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên mặt nước ở đây cũng là một loại hình tài nguyên du lịch quý giá, có sức hấp dẫn du lịch rất lớn. Điển hình là hồ Cửa Đạt có diện tích mặt nước 2.828,6 ha, gắn với Công trình Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt và là một trong những hồ nước lớn ở Việt Nam. Đồng thời, có nhiều cửa sông, suối đổ ra lòng hồ với nhiều thác nước tự nhiên đẹp. Xung quanh khu bảo tồn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng như đền thờ Thánh Mẫu thượng Ngàn, đền thờ danh nhân Cầm Bá Thước, miếu Cô... từ lâu đã thu hút đông đảo du khách thập phương. Các dân tộc anh em sinh sống quanh khu bảo tồn chủ yếu là người Mường, Thái vẫn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt truyền thống độc đáo... Tất cả các yếu tố ấy đều là tài nguyên tự nhiên và nhân văn giàu giá trị, làm cơ sở cho việc phát triển các hoạt động du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng.
Từ những căn cứ thực tế đó, việc nghiên cứu lập Quy hoạch phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên là rất cần thiết. Từ đó, nhằm đưa ra những giải pháp mang tính tổng thể về các hoạt động, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và tận dụng được các ưu thế tự nhiên sẵn có, ổn định môi trường, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho địa phương. Việc khai thác tiềm năng du lịch về danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và tính đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mang lại thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân địa phương. Đồng thời, làm cơ sở thu hút, kêu gọi các nguồn lực đầu tư khai thác du lịch. Qua đó, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm trong khu vực.
Trước yêu cầu đó, năm 2012, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (chủ đầu tư) đã phối hợp với Công ty CP Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Hà Nội), tiến hành nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2020. Quy hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể là xác định được các tiền đề phát triển du lịch sinh thái của khu vực quy hoạch, bao gồm các điểm mạnh và sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch hiện có; dự báo thị trường và lượng khách du lịch; không gian phát triển du lịch; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt động du lịch và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, xây dựng được lộ trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các hạng mục ưu tiên đầu tư và các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch...
Dựa trên các điều kiện tự nhiên và nhân văn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có tiềm năng phát triển một số loại hình du lịch chính, như du lịch sinh thái, tham quan thắng cảnh (tham quan khám phá hệ sinh thái rừng nguyên sinh, hang động, hồ Cửa Đạt, thác nước...); du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo; du lịch thể thao mạo hiểm - khám phá; du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa, tâm linh. Các tuyến du lịch cũng được định hướng xây dựng, bao gồm tuyến 1 từ trung tâm đón tiếp du khách đi rừng nguyên sinh pơ mu - sa mu tại thôn Vịn, xã Bát Mọt (có loài cây pơmu, samu nghìn năm tuổi); tuyến 2 từ trung tâm đón tiếp du khách – thác Hón Yên - rừng nguyên sinh núi đá Pù Gió - Trạm bảo vệ rừng Hón Can và thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân; tuyến 3 từ trung tâm đón tiếp du khách - vườn thực vật – thác Hón Yên - Trạm Kiểm lâm Sông Khao - trung tâm cứu hộ, chăn thả động vật rừng bán hoang dã.
Bên cạnh đó, từ khu bảo tồn có thể kết nối với các điểm du lịch nội huyện như tuyến 1 từ trung tâm đón tiếp du khách – Công trình Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt - Khu Di tích đền thờ Danh nhân Cầm Bá Thước, đền thờ Bà Chúa Thượng ngàn – quê hương Danh nhân Cầm Bá Thước (thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân); tuyến 2 từ trung tâm đón tiếp du khách – Di tích hội thề Lũng Nhai (làng Mé, xã Ngọc Phụng) - chợ biên giới, cửa khẩu bản Khẹo. Ngoài ra, có thể kết hợp để xây dựng và kết nối với các khu du lịch nội tỉnh, như tuyến từ trung tâm đón tiếp du khách - Khu di tích lịch sử Lam Kinh - suối cá Cẩm Lương - Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ...
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, bình quân mỗi năm khu bảo tồn đón được khoảng hơn 2.500 lượt khách, chủ yếu là khách trong nước. Riêng năm 2019, đã có khoảng 4.200 lượt khách đến tham quan, nghỉ ngơi tại đây. Tuy nhiên, con số này so với mục tiêu đặt ra trong quy hoạch vẫn còn một khoảng cách khá xa. Đặc biệt là mục tiêu đặt ra trong năm 2020 đón được 109.000 lượt khách nội địa và 7.400 lượt khách quốc tế, sẽ rất khó khả thi do tác động của dịch COVID-19. Mặc dù có trữ lượng tài nguyên lớn, lại được quy hoạch phát triển tương đối cụ thể; song thực tế cho thấy, việc khai thác lợi thế nhằm phát triển du lịch tại Xuân Liên vẫn chưa được như kỳ vọng. Do vậy, để khu bảo tồn trở thành một khu du lịch sinh thái, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và làm phong phú bức tranh tổng thể du lịch Thanh Hóa, thiết nghĩ, cần nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhất là sự tham gia của nhà đầu tư mạnh tiềm lực, giàu kinh nghiệm và tâm huyết.