Khai thác tiềm năng lợi thế vùng miền, đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Quảng Trị hiện có trên 70% dân số và lao động đang sống ở vùng nông thôn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong những năm qua, đặc biệt nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy đảng và chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM).

(Trích tham luận của đồng chí HỒ XUÂN HÒE, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe trình bày tham luận -Ảnh: Thành Dũng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe trình bày tham luận -Ảnh: Thành Dũng

Điển hình là Nghị quyết 04/NQ- TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025; các nghị quyết số 27 năm 2016, số 03, 04, 30 năm 2017, số 02 năm 2019 của HĐND tỉnh về phát triển cây trồng, con nuôi chủ lực, xây dựng NTM, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết hợp tác trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở...

Nhờ đó, nông nghiệp tỉnh nhà liên tục có sự phát triển toàn diện, vững chắc. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hằng năm 3,82%; nhiều chỉ tiêu về sản xuất đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt...

Tuy đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, nhưng so với tiềm năng, lợi thế hiện có thì kết quả trên vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định. Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong những năm tới, chúng ta phải nỗ lực và thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các vấn đề then chốt sau đây:

Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xác định quy mô và cơ cấu sản xuất của từng ngành, hàng phù hợp với đặc điểm và lợi thế từng vùng, tiểu vùng sinh thái trên cơ sở xác định nhu cầu của thị trường nhằm tạo không gian thuận lợi cho tổ chức sản xuất ổn định, hiệu quả. Quảng Trị có đủ các điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện nhưng quy mô đất đai cho sản xuất ở các vùng không lớn. Vì vậy, cần ưu tiên lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, thích hợp. Trong đó, ưu tiên phát triển theo 2 trục sản phẩm chính, đó là: Sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương (OCOP). Tập trung rà soát, xác định lại cơ cấu, quy mô và vị trí địa lý cụ thể, đất đai sử dụng cho từng loại ngành, hàng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liên vùng, tạo quy mô sản phẩm hàng hóa đủ lớn để thuận lợi cho việc thực hiện chuỗi giá trị và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến; đồng thời coi trọng những mô hình sản xuất quy mô nhỏ để tận dụng đất đai và kết hợp xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.

Thứ hai là vấn đề thống nhất từ nhận thức đến hành động. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về tâm lý đối với người nông dân. Phải làm thay đổi căn bản nhận thức của người nông dân về tổ chức sản xuất, liên kết, thị trường. Điều này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn gắn với việc thực hiện, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Phát huy vai trò làm chủ của người dân trong tất cả các khâu, nhất là chủ động tiếp nhận thông tin về kinh tế, kỹ thuật, khoa học công nghệ, thông tin thị trường, kinh nghiệm sản xuất... để thay đổi tập quán và phương thức tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thứ ba là vấn đề về tổ chức sản xuất. Thực hiện mạnh mẽ điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo định hướng sản xuất mới. Xác định khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm. Chuyển đổi sản xuất từ chú trọng sản lượng sang chất lượng và giá trị. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững; sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, giá trị gia tăng lớn; hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Chú trọng khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến để tăng giá trị sản phẩm. Xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, hướng đến các thị trường cao cấp ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Xây dựng mô hình quản trị tổ chức sản xuất tiến bộ để thực hiện các nội dung trên, mà trọng tâm là xoay quanh 3 vấn đề chính, đó là “hợp tác, liên kết, thị trường”. Trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân thông qua việc khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, câu lạc bộ cùng sở thích, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để hình thành nên các vùng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn đồng đều về chất lượng, đảm bảo số lượng theo yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ với doanh nghiệp theo chuỗi thông qua hợp đồng kinh tế. Hoàn thiện thể chế để nâng cao tính pháp lý của hợp đồng liên kết và minh bạch hóa vai trò giữa các khâu trong chuỗi giá trị, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất. Tìm kiếm thị trường sản phẩm, trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong định hướng sản xuất và cung cấp thông tin, dữ liệu về thị trường, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, người sản xuất và doanh nghiệp lấy thị trường là mục tiêu quyết định cho tổ chức sản xuất.

Thứ tư là thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát tham mưu Tỉnh ủy, HĐND ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của trung ương, địa phương và toàn xã hội vào phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, tăng cường tính thích ứng của hệ thống nông nghiệp trước biến đổi khí hậu, phát triển hệ thống đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, hạ tầng dân sinh theo các đề án xây dựng nông thôn mới. Sớm hoàn thành các tiêu chí về kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vùng sâu vùng xa. Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp để tạo ra một khí thế mới, tinh thần hào hứng, ý thức cộng đồng, ý thức lao động của người dân. Đây chính là động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế.

Thứ năm là tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những cách làm tốt, sáng kiến hay nhằm tạo sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=152467