Khai thác tiềm năng, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (Bài 1)
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Bắc Kạn đang có sự phát triển và chuyển dịch tích cực, ngày càng chiếm tỷ trọng ưu thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, đóng góp cho ngân sách địa phương.
Quy mô ngành dần chiếm tỷ trọng ưu thế
Ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn vốn có xuất phát điểm thấp, quy mô ngành trong cơ cấu kinh tế thấp, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông, lâm sản, cây dược liệu và khoáng sản của tỉnh. Tuy nhiên, từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh đang có sự phát triển, chuyển dịch tích cực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng chiếm tỷ trọng ưu thế.
Quy mô ngành công nghiệp năm 2021 đạt gần 950 tỷ đồng, tăng 62 lần so với năm 1997 (năm 1997 đạt 19 tỷ đồng). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ; năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh so với năm 1997 được nâng lên rõ rệt, có nhiều tiến bộ; nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp được đầu tư và đi vào hoạt động ổn định, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp trong những năm tiếp theo. Một số nhà máy sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ nguồn nguyên liệu địa phương có tiềm năng lợi thế, điển hình như: Ván dán, miến dong, cucurmin, chì kim loại, đũa gỗ… Hơn nữa, trong thời gian tới tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển các vùng nguyên liệu thành hàng hóa, phục vụ chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Nổi bật nhất về tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 11,93%/năm, năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt hơn 1.286 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 16,64%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2020 đạt hơn 845 tỷ đồng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo việc làm ổn định cho 7.157 người lao động với 2.300 hộ kinh doanh cá thể, 46 hợp tác xã và 65 doanh nghiệp; tổng số vốn sản xuất, kinh doanh bình quân của doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng (chiếm 26% tổng vốn sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp) nhưng đạt doanh thu thuần khoảng 605 tỷ đồng (chiếm 53,4% doanh thu thuần toàn ngành công nghiệp).
Khai thác lợi thế, tận dụng tiềm năng
Các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh hiện gồm: Công nghiệp sản xuất kim loại; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất, chế biến thực phẩm; công nghiệp sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại; công nghiệp sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản xuất đồ uống; sản xuất giường tủ, bàn, ghế... và nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo khác. Việc nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cơ hội để tỉnh thu hút các dự án lớn có tính lan tỏa vào đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, giải quyết công ăn việc làm, đóng góp ngân sách và góp phần quan trọng thực hiện chương trình trọng tâm tại Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XII.
Ngành công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng giảm từ 54,72% năm 2015 xuống 50,73% năm 2020; cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 27,9% năm 2015 lên 33,35% năm 2020; dự ước năm 2021 tăng 6,64%. Trong đó, điển hình như nhóm ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng từ 21,65% năm 2015 lên 36,72% năm 2020. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 329 cơ sở chế biến gỗ với 38 doanh nghiệp, hợp tác xã (chiếm 11,55%) và 291 cơ sở hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh (chiếm 88,45%) và sản phẩm là: Ván bóc, ván dán, dăm mảnh, đũa gỗ, ván cốt pha, thanh chi tiết, sản xuất đồ mộc… Trong đó có 10 nhà máy sản xuất, chế biến gỗ có quy mô lớn được cơ quan có thẩm quyền cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án.
Riêng trong Khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới) có 04 nhà máy sản xuất ván dán với tổng công suất 185.000m3/năm (Công ty CP Đầu tư Govina, công suất 120.000 tấn/năm; Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, công suất 30.000 tấn/năm; Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hồng Ngọc, công suất 15.000 tấn/năm; Công ty TNHH gỗ ép Anh Bình, công suất 20.000 tấn/năm). Sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt trong và ngoài tỉnh; đặc biệt, một số sản phẩm như ván dán, đũa gỗ đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaisia...
Nhóm ngành sản xuất kim loại là một trong những ngành có lợi thế phát triển trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Tỉnh có tiềm năng về khoáng sản, đặc biệt là chì kẽm với dự báo và trữ lượng lớn so với cả nước, khoảng 3.049.177 tấn, chủ yếu phân bố trên địa bàn huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn và Pác Nặm và 17 triệu tấn quặng sắt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 mỏ khoáng sản chì, kẽm được cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực với tổng công suất khai thác là 284.240 tấn quặng/năm; 04 mỏ sắt với công suất 322.500 tấn quặng/năm. Bắc Kạn cũng là tỉnh có tiềm năng lớn về khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và được đánh giá có tiềm năng về đá thạch anh, đá vôi trắng. Hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng thông thường cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra hiện nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Bắc Kạn phát triển chưa đồng bộ, tốc độ tăng trưởng còn chậm. Đa số các doanh nghiệp trong ngành có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm mới; khả năng cạnh tranh còn gặp nhiều khó khăn đối với thị trường trong nước và bị hạn chế bởi các rào cản kỹ thuật thương mại trong xuất khẩu. Đồng thời, tác động của dịch bệnh Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu.
Mặt khác, công tác lập quy hoạch ngành có liên quan còn rời rạc, chưa thống nhất; đặc biệt giữa quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu với quy hoạch công nghiệp chế biến, chế tạo chưa có sự liên kết chặt chẽ. Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh chưa đủ mạnh nên chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp có tiềm năng, có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao vào đầu tư. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp chưa đảm bảo, nhất là hạ tầng giao thông, điện…; chưa có cụm công nghiệp được xây dựng hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư.../. (Còn nữa)