Khai thác tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch

Huyện Thạch Thành có địa hình núi đá vôi, đồi đất giàu tiềm năng phát triển; đồng thời là địa bàn giao lưu kinh tế - văn hóa của các vùng, miền trong tỉnh, với các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình.

Điểm du lịch thác Mây, xã Thạch Lâm.

Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, nằm trên trục Quốc lộ 45 xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam nối từ tỉnh Ninh Bình sang vùng đồng bằng qua các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn về trung tâm TP Thanh Hóa... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông của huyện được nâng cấp, tương đối hoàn thiện. Phát huy tiềm năng, lợi thế, những năm qua, huyện Thạch Thành tập trung thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

Huyện Thạch Thành có địa hình được hình thành bởi các lòng máng lớn kề nhau xuôi theo hướng Bắc - Tây Bắc và thấp dần về phía Nam. Đặc điểm địa hình này đã ban tặng cho huyện Thạch Thành những thác nước dài, nhiều tầng kỳ vỹ, như: Thác Mây, thác Voi, thác Đẹn; những hồ nước rộng lớn quanh năm trong xanh, như: Hồ Đồng Sung, hồ Ba Cầu, hồ Cầu Mùn, hồ Minh Công, hồ Vũng Sú, suối nước nóng Vó Ấm... Ở những vùng núi đá vôi có nhiều hang động khá đẹp gắn với di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, như: Hang Con Moong, hang Mang Chiêng, hang Lai, hang Diêm, hang và mái đá Mộc Long, hang Treo... thuận lợi cho phát triển du lịch khám phá, du lịch lịch sử. Thạch Thành là địa phương có hệ thống di tích lịch sử không chỉ có giá trị đặc trưng mà còn phong phú về số lượng và thể loại, với 46 di tích và địa điểm di tích đã được kiểm kê; trong đó có 16 di tích được xếp hạng. Đồng thời, có những di tích lớn có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như về kiến trúc nghệ thuật, như: Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt - đây là di tích có giá trị lịch sử quan trọng ghi lại dấu vết của người tiền sử sinh sống tại đây liên tục cách ngày nay khoảng 60.000 năm và hiện đang được Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới; Khu Di tích chiến khu Ngọc Trạo được xếp hạng Di tích quốc gia; Di tích thắng cảnh Phố Cát là trung tâm thờ Mẫu Liễu Hạnh, một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh tiêu biểu của người dân xứ Thanh và cả nước... Thạch Thành còn có những ngôi làng bảo tồn được hàng trăm ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc Mường xưa độc đáo, hấp dẫn khách du lịch ở các thôn Nội Thành, thôn Đăng Thượng, thôn Đồi, xã Thạch Lâm. Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của huyện Thạch Thành cũng rất đa dạng và độc đáo, mang sắc thái văn hóa riêng của 2 dân tộc Kinh - Mường.

Nhận thức rõ những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, những năm qua, huyện Thạch Thành đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ. Đồng thời, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, nhất là mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp sạch, công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch. Bản sắc văn hóa được bảo tồn, các di tích danh thắng, di tích lịch sử văn hóa, như: Di tích chiến khu Ngọc Trạo đã được đầu tư xây dựng; di tích hang Con Moong, đền Phố Cát, đền Tam Thánh, đền thờ Tống Duy Tân, chùa Cảnh Yên... đang được từng bước trùng tu, tôn tạo và đưa vào sử dụng, nhằm phát triển du lịch và đáp ứng một phần nhu cầu đời sống tâm linh cho Nhân dân. Lượng khách du lịch đến huyện Thạch Thành ngày một tăng và hiện đón gần 60.000 lượt khách/năm (trong đó có nhiều khách quốc tế); doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt gần 100 tỷ đồng/năm... Với kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm, đã có một số dự án phát triển du lịch đăng ký đầu tư vào địa bàn huyện, như: Khu Du lịch sinh thái thác Mây, Khu du lịch Di tích và thắng cảnh Phố Cát, Khu Du lịch sinh thái thác Voi, Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp làng Luông... Những nỗ lực của huyện Thạch Thành trong phát triển văn hóa - xã hội đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bình quân đầu người hiện nay đạt hơn 40 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, huyện tập trung xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Thạch Thành giai đoạn 2021–2030 để làm cơ sở đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Triển khai có hiệu quả các loại quy hoạch phát triển du lịch đã được phê quyệt; xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu du lịch. Tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, như: Đường giao thông, bãi đỗ xe, điểm dừng nghỉ du lịch, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí tại địa bàn du lịch trọng điểm. Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch có chất lượng cao, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; trong đó, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng các tour, tuyến, điểm đến du lịch, mở rộng thị trường khách phù hợp cho du lịch Thạch Thành. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch đồng bộ cả về số lượng lẫn chất lượng, phấn đấu đến năm 2025 có 40% - 50% số lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và mang tính chuyên nghiệp; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thu hút các nhà đầu tư và du khách. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Thạch Thành. Huyện phấn đấu đến năm 2025, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thạch Thành, trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên, môi trường, nâng cao trình độ dân trí để phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Thạch Thành. Huyện đang tập trung nghiên cứu lập mới một số quy hoạch chi tiết các điểm, khu du lịch làm cơ sở cho việc hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng có tính cạnh tranh cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch, như: Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng (khu vực thác Mây - xã Thạch Lâm, khu vực thác Voi - xã Thành Vân), du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh (đình Mường Đòn, đền Phố Cát, chùa Cảnh Yên, Chiến khu du kích Ngọc Trạo...), du lịch khám phá (hang Con Moong, hang Mang Chiêng, hang Lai, hang Diêm, hang và Mái đá Mộc Long)... Thực hiện lồng ghép việc quy hoạch một cách đồng bộ giữa các ngành khác với quy hoạch phát triển du lịch, như: Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; quy hoạch hệ thống dịch vụ thương mại; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các làng nghề truyền thống tiêu biểu gắn với phát triển du lịch.

Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/khai-thac-tiem-nang-thu-hut-dau-tu-phat-trien-du-lich/122535.htm