Khai thác tiềm năng và những giá trị mang lại từ rừng

Những năm qua, nhiều chính sách về bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn được triển khai thực hiện có hiệu quả. Người dân và cộng đồng được giao khoán, bảo vệ rừng biết khai thác hợp lý những giá trị mang lại từ rừng để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc tạo sinh kế vững chắc và tiến tới làm giàu cho người dân từ rừng là mục tiêu mà huyện đang hướng đến.

Đến nay, huyện Nậm Nhùn có tổng diện tích đất có rừng trên 81.000 héc ta, tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 57,26%. Với diện tích rừng lớn, trung bình hàng năm số tiền mà người dân trên địa bàn huyện được nhận từ chi trả dịch vụ môi trường rừng lên đến hơn 70 tỷ đồng. Một số xã như: Hua Bum, Nậm Chà, Mường Mô nhiều hộ nhận từ 15 - 30 triệu đồng/năm từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, việc khai thác các nguồn lợi khác từ rừng gồm: măng, chuối, các loại rau, củ cũng đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.

Hiện nay, khi bước vào mùa mưa nhiều loại lâm sản được các hộ tiến hành khai thác trên vị trí rừng đã được giao khoán bảo vệ, chăm sóc. Để việc khai thác hợp lý, tránh thất thoát, lãng phí, vừa đảm bảo được thu nhập và cuộc sống của người dân, đồng thời không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên từ rừng. Huyện đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, quản lý hoạt động khai thác lâm sản từ rừng. Ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Ngay khi bước vào mùa mưa, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật từ các nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn của cấp trên trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, cũng như việc khai thác hợp lý các nguồn lợi từ rừng để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho nhân dân. Với những nguồn lợi từ rừng mang lại, ý thức bảo vệ rừng của người dân trong huyện đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều diện tích đất trống, đất canh tác bạc màu trước đây đã được phủ xanh bởi các loại cây rừng, trong đó trọng điểm là cây quế.

Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng kiểm lâm kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức họp bản, tổ dân phố tuyên truyền bằng loa phát thanh, tờ rơi, mạng xã hội… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ rừng đem lại. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã tổ chức được 124 cuộc họp bản, tổ dân phố với 8.076 lượt người tham gia.

Người dân bản Nậm Cầy (xã Nậm Hàng) khai thác măng, tăng thu nhập từ việc bảo vệ rừng.

Người dân bản Nậm Cầy (xã Nậm Hàng) khai thác măng, tăng thu nhập từ việc bảo vệ rừng.

Tìm hiểu thực tế tại xã Nậm Chà, một trong những xã có diện tích rừng và độ che phủ lớn nhất của huyện với hơn 11 nghìn héc ta. Các hộ dân tại các bản Nậm Chà, Táng Ngá, Huổi Héo và nhiều bản khác đang khai thác măng tại các khoảnh, lô rừng đã được giao. Qua mỗi vụ khai thác, người dân cũng có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng, nhiều hộ có thể đạt 15 - 20 triệu đồng tùy vào diện tích được giao khoán. Theo ông Vũ Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nậm Chà cho biết: “Để người dân khai thác hợp lý, có thu nhập và cải thiện cuộc sống. Xã đã cử cán bộ cùng với kiểm lâm địa bàn xuống từng bản tuyên truyền trước mùa mưa, việc khai thác phải tuân thủ các quy định của pháp luật và diện tích được giao. Người dân chỉ được khai thác với số lượng và trong thời gian nhất định để đảm bảo cho những rừng măng phát triển”.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý việc khai thác hợp lý các nguồn lợi từ rừng cũng còn những hạn chế nhất định. Trong đó, lực lượng kiểm lâm mỏng, tham mưu công tác quản lý bảo vệ rừng trên diện tích lớn, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn nên việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc khai thác lâm sản trên địa bàn. Một bộ phận nhân dân còn chưa nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của rừng đối với đời sống và sản xuất nên vẫn còn tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm lâm nghiệp. Chỉ đạo cán bộ kiểm lâm phụ trách xã bám nắm địa bàn, kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm, đề xuất xử lý vi phạm. Thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Đặc biệt là việc triển khai đăng ký tham gia liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trồng măng, cung cấp nguyên liệu đầu vào thực hiện dự án nhà máy chế biến măng xuất khẩu huyện Nậm Nhùn với tổng diện tích là 784,1ha.

Từ những lợi ích mà rừng mang lại, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nậm Nhùn hiện đang tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó đảm bảo nguồn thu ổn định, lâu dài cho người dân, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nguyễn Tùng

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/khai-th%C3%A1c-ti%E1%BB%81m-n%C4%83ng-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-mang-l%E1%BA%A1i-t%E1%BB%AB-r%E1%BB%ABng