Khai thác tiềm năng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt

So sánh trong các loại hình vận tải thì đường sắt luôn có lợi thế hơn. Trong bối cảnh cơ quan hải quan đang tìm mọi giải pháp đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, thì việc phối hợp liên ngành để khai thác tiềm năng từ đường sắt là một hướng đi đang cần được ưu tiên.

Nhiều tiềm năng trong vận tải logistics

Vận tải đường sắt luôn có ưu thế hơn hẳn đường bộ và đường biển về số lượng hàng hóa, nhân lực và cả giá thành. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), thời gian qua, nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế tăng cao trên cả hai chiều xuất và nhập khẩu qua cửa khẩu Đồng Đăng, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa của các công ty vận tải qua cửa khẩu này lên đến 200.000 tấn/tháng trong tháng I/2022.

Tuy nhiên, loại hình này vẫn chưa phát huy được tiềm năng, đặc biệt là trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới phía Bắc. Do hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi tại các ga liên vận quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên, nên tháng 1 chỉ vận chuyển được hơn 80.000 tấn. Hiện mỗi ngày có 500 - 600 toa xe ách tắc tại ga Bằng Tường và dọc đường từ ga Nam Ninh đến ga biên giới Bằng Tường trên đường sắt Trung Quốc đợi tiếp nhận vận chuyển sang Việt Nam.

Vận tải đường sắt là giải pháp thay thế khi cảng biển quá tải và thiếu container.

Trong buổi làm việc với Tổng cục Hải quan cách đây không lâu, một số doanh nghiệp đường sắt ở phía Bắc đã đặt ra các vấn đề cần giải quyết như tăng cường đầu tư các thiết bị vận hành phục vụ việc khai thác vận hành hoạt động xếp dỡ hàng hóa như xe cẩu, xe nâng...; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ xử lý, khai thác container tại ga; mở rộng công suất của bãi ga; hay đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả khai thác tuyến đường sắt trong vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như mở thêm điểm khai thác hàng…

Vừa qua, để xác định chính xác các vấn đề cần giải quyết, Tổng cục Hải quan cũng đã có đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành làm trưởng đoàn đi khảo sát và làm việc tại Hà Nội, Bắc Giang về nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường sắt liên vận quốc tế. Đoàn công tác cũng khảo sát thực tế kho bãi, địa điểm tập kết hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại ga Yên Viên, thủ tục hải quan, giải phóng hàng hóa tại ga; năng lực bốc xếp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp khai thác địa điểm tại ga; khảo sát thực tế kho bãi, địa điểm tập kết hàng hóa tại ga Kép (Bắc Giang); khảo sát về khả năng nâng cấp thành ga liên vận quốc tế và làm thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tại ga.

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đánh giá Việt Nam và Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng cho phép việc liên thông hàng hóa bằng đường sắt. Tuy nhiên, qua theo dõi việc phát triển của đường sắt trong logistics quốc tế chưa tương xứng với tốc độ phát triển của các loại hình khác. Trong bối cảnh dịch Covid-19, với chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc thì vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt là một trong những giải pháp tối ưu. Về lâu dài vận tải hàng hóa bằng đường sắt có lợi thế rất lớn khi có sự đồng bộ về tiêu chuẩn hạ tầng chung.

Khơi thông dòng chảy

Hiện nay, theo quy định của Luật Hải quan, các doanh nghiệp có quyền được khai hải quan tại chi cục hải quan thuận tiện. Vì vậy, để đảm bảo việc thông suốt hàng, tránh ùn tắc, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thực hiện quyền của doanh nghiệp trong việc khai trước, khai và làm thủ tục hải quan để tăng lưu lượng luồng lưu thông hàng hóa.

Ngoài ra, nếu lập ga Kép Bắc Giang thành ga liên vận quốc tế sẽ giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và 2 ga liên vận quốc tế hiện có trên tuyến là Yên Viên và Đồng Đăng. Ga Kép Bắc Giang sẽ trở thành ga liên vận quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, giúp hạ thấp chi phí logistics, tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logistics.

Theo Tổng cục Hải quan, sau khi được công bố là ga liên vận quốc tế, cơ quan hải quan sẽ bố trí lực lượng hải quan làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại ga Kép như tại ga Yên Viên, Đồng Đăng, Lào Cai. Đồng thời, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) đã đề nghị VNR và các doanh nghiệp làm việc với các doanh nghiệp đang tiến hành khai thác kho bãi tại ga Yên Viên đầu tư trang thiết bị phục vụ việc bốc xếp hàng như: xe gắp hàng, cẩu nâng container để nâng cao hiệu quả khai thác vận hành của kho bãi, giảm thời gian bốc xếp hàng hóa, đẩy nhanh thời gian giải phóng hàng tại ga.

Cơ quan hải quan sẽ làm việc với doanh nghiệp đang khai thác kho bãi, địa điểm về năng lực khai thác của doanh nghiệp tại ga (về trang thiết bị bốc xếp hàng, năng lực khai thác...) để có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực bốc xếp hàng của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của khai thác hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cục Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, hiện nay đường sắt Việt Nam có 3 ga liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu gồm ga Lào Cai, ga Yên Viên, ga Đồng Đăng, trong đó ga Lào Cai và ga Đồng Đăng là ga liên vận quốc tế ở biên giới đảm nhận việc giao tiếp hàng hóa, phương tiện xuất nhập bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc và ngược lại.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khai-thac-tiem-nang-van-chuyen-hang-hoa-xuat-nhap-khau-bang-duong-sat-103966.html