Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đưa Triệu Phong phát triển nhanh, bền vững

Từ trong hoang tàn đổ nát của chiến tranh, sau ngày lập lại, Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong đã tập trung xây dựng quê hương từ điểm xuất phát thấp. Đến nay, huyện Triệu Phong đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, nền kinh tế- xã hội của huyện không ngừng phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt làng quê không ngừng khởi sắc. Nhân sự kiện tròn 30 năm kể từ ngày quê hương Triệu Phong được lập lại, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong PHAN VĂN LINH về vấn đề này.

- Thưa ông! Tính đến nay vừa tròn 30 năm kể từ ngày quê hương Triệu Phong được lập lại, một chặng đường chưa phải là dài nhưng cũng đủ để khẳng định sự đổi mới và phát triển của một vùng đất. Nhân dịp này, đề nghị ông cho biết những thành tựu nổi bật 30 năm qua huyện Triệu Phong đã đạt được?

- Thưa ông! Tính đến nay vừa tròn 30 năm kể từ ngày quê hương Triệu Phong được lập lại, một chặng đường chưa phải là dài nhưng cũng đủ để khẳng định sự đổi mới và phát triển của một vùng đất. Nhân dịp này, đề nghị ông cho biết những thành tựu nổi bật 30 năm qua huyện Triệu Phong đã đạt được?

- Từ trong hoang tàn đổ nát của chiến tranh, sau ngày lập lại, Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong đã tập trung xây dựng quê hương từ điểm xuất phát thấp. Những ngày đầu mới lập lại, đứng trước bao bộn bề khó khăn của một huyện nông nghiệp độc canh cây lúa, cơ sở vật chất hạ tầng hầu như không có gì, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời và hiệu quả của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân trong huyện đã phát huy truyền thống anh hùng, cùng nhau đoàn kết, đồng lòng đồng sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đến nay, huyện Triệu Phong đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, nền kinh tế- xã hội của huyện không ngừng phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt làng quê không ngừng khởi sắc.

Trải qua chặng đường 30 năm kể từ ngày huyện Triệu Phong được lập lại, Đảng bộ và Nhân dân toàn huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh theo mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ đã đề ra. Đến nay, nền kinh tế có bước phát triển khá, tổng giá trị các ngành sản xuất, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ chủ yếu đạt trên 4.132,305 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hằng năm ước đạt 11,5%, trong đó: Ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân hằng năm 2,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 17%, thương mại, dịch vụ tăng 14%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng/năm, tăng gấp hơn 45 lần so với năm 1991. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Là một huyện nông nghiệp, chúng tôi xác định, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, do đó Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ra các nghị quyết chuyên đề phù hợp với từng thời kỳ, nhờ vậy trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có bước đột phá khá quan trọng. Đến nay, diện tích gieo trồng hằng năm của huyện đạt 16.110,9 ha, trong đó diện tích lúa 2 vụ trên 11.327 ha, giống lúa chất lượng cao chiếm trên 80%. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất lúa đạt 56,5tạ/ha, năng suất, sản lượng các loại cây công nghiệp, cây thực phẩm ngắn ngày đều tăng.

Ở vùng đồng bằng, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, phát triển chăn nuôi theo tinh thần Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra, hầu hết các địa phương đều đã triển khai thực hiện khá tốt. Việc khảo nghiệm và đưa vào sản xuất các giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, đã tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất. Điển hình có các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên; sản xuất lúa hữu cơ, canh tác thông minh phù hợp với biến đổi khí hậu; sản xuất rau an toàn. Bên cạnh đó, huyện đã đưa một số cây trồng mới vào sản xuất như: Na Thái Lan, sâm Bố Chính… Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa kết hợp với xây dựng mô hình sản xuất đã tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất. Từ trong phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại và gia trại có quy mô lớn cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai tích cực và đã lựa chọn một số sản phẩm xây dựng thương hiệu như: Gạo sạch Triệu Phong, bún Vạn Linh…

 Sản phẩm nước mắm Gia Đẳng được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: PV

Sản phẩm nước mắm Gia Đẳng được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: PV

Vùng cát ven biển từ chỗ hoang hóa, nhờ tranh thủ các chương trình dự án, thực hiện chủ trương di giãn dân lập làng sinh thái, trồng cây lâm nghiệp, nuôi trồng đa cây, đa con nên đã mang lại giá trị kinh tế cao, đưa được nhiều loại cây con mới vào sản xuất như nuôi tôm thẻ chân trắng, cá nước lợ, trồng dưa hấu, khoai lang cao sản và rau màu các loại. Thực hiện tốt chủ trương cải hoán tàu thuyền đánh bắt trung và xa bờ nên sản lượng đánh bắt hải sản hằng năm tăng lên đáng kể, trong những năm gần đây sản lượng khai thác luôn đạt trên 5.000 tấn.

Nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở các xã vùng ven biển. Đến nay toàn huyện có trên 738 ha mặt nước nuôi tôm. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, không chỉ góp phần giảm nghèo mà Nhân dân đã có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng và mang lại hiệu quả cao như: Nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm theo hình thức ương nuôi 2 giai đoạn… Nhờ vậy, nhiều mô hình đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Đây là một bước bứt phá ngoạn mục trên mặt trận nông nghiệp.

Về kinh tế vùng gò đồi, bên cạnh việc thực hiện chủ trương di giãn dân xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng mô hình trang trại có quy mô lớn nuôi trồng đa cây đa con, huyện đã thực hiện tốt chủ trương trồng mới 5 triệu ha rừng, nâng độ che phủ lên 42%, toàn huyện có 479 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Đến nay toàn huyện có trên 679,25 ha cao su tiểu điền, tập trung chủ yếu ở 2 xã Triệu Thượng và Triệu Ái, hầu hết đã cho khai thác hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một hướng đi đúng đắn nhằm khai thác và đánh thức tiềm năng, thế mạnh vùng gò đồi rộng lớn của huyện. Các trang trại, gia trại đã phát triển khá mạnh, đàn bò từng bước zê bu hóa, nạc hóa đàn lợn, nhờ làm tốt công tác tiêm phòng nên đã hạn chế được dịch bệnh xảy ra.

 Dưa hấu Long Quang năng suất cao, chất lượng tốt. Ảnh: Trần Ba

Dưa hấu Long Quang năng suất cao, chất lượng tốt. Ảnh: Trần Ba

Công tác xúc tiến thu hút đầu tư được triển khai tích cực, đến nay đã có 13 dự đầu tư tại Cụm công nghiệp Ái Tử sản xuất ổn định; Cụm công nghiệp Đông Ái Tử đã có 16 dự án được cấp phép, trong đó có 8 doanh nghiệp triển khai khởi công.

Hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản đạt gần 1.115 tỉ đồng, tăng bình quân 18,1% năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn trên 62,8 tỉ đồng, tăng bình quân từ 17% trở lên/ năm, tăng gấp 45 lần so với năm 1991.

Cơ sở vật chất hạ tầng từng bước được xây dựng, nhiều tuyến đường liên xã đã được nhựa hóa. Cầu Cửa Việt, cầu Bắc Phước, đường giao thông liên xã Đại - Độ - Thuận, đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam hoàn thiện là động lực quan trọng thúc đẩy khu vực kinh tế phía Đông Bắc của huyện phát triển, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân...

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” gắn với việc giáo dục đạo đức lối sống theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị: Tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến nay toàn huyện có 175/175 làng, khu dân cư, cơ quan, trường học phát động xây dựng đơn vị văn hóa đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch, có 17/17 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và hướng tới xây dựng xã văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu.

 Đường qua thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong hôm nay. Ảnh: PV

Đường qua thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong hôm nay. Ảnh: PV

Những ngày mới lập lại, cơ sở vật chất về giáo dục, y tế của huyện hầu như không có gì. Trường học chỉ tạm bợ tranh tre nứa lá. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay 100% trường học trên địa bàn huyện đã được cao tầng hóa, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học được đầu tư đồng bộ, công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện sâu rộng và hiệu quả, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ nét; y tế có nhiều tiến bộ, trình độ y, bác sĩ không ngừng được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, đã có 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác dân số được chú trọng, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên chỉ còn 0,5%, tỉ suất sinh còn 10,8%0.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay đã có 10/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 55,5%, thị trấn Ái Tử đạt chuẩn văn minh đô thị.

Quốc phòng - an ninh luôn được xem là vấn đề quan trọng nhằm ổn định để phát triển kinh tế, do đó huyện thường xuyên tăng cường xây dựng lực lượng công an, quân sự vững mạnh toàn diện góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT - XH, QPAN trên địa bàn. Công tác chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm được chăm lo chu đáo.

- Những thành tựu của huyện Triệu Phong đạt được trong 30 năm qua là rất quan trọng và được ghi nhận. Đây thực sự là động lực để huyện tiếp tục vươn lên trong chặng đường sắp tới. Tuy nhiên, trước sự biến động của nền kinh tế thế giới như hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đặt ra nhiều thời cơ và thách thức. Đề nghị ông cho biết một số nhiệm vụ giải pháp của huyện để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới?

- Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đây cũng là thời cơ và thách thức mới, nhiệm vụ đặt ra khá nặng nề đòi hỏi toàn thể Đảng bộ và Nhân dân phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH; gắn phát triển kinh tế với việc giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tăng cường củng cố giữ vững quốc phòng- an ninh, đưa Triệu Phong phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 13 - 14%.

 Cống đập Việt Yên, công trình phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV

Cống đập Việt Yên, công trình phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV

Trước mắt, trong năm 2020 đối với huyện Triệu phong có một ý nghĩa hết sức quan trọng, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, đây cũng là năm đánh dấu một chặng đường 30 năm sau ngày quê hương Triệu Phong được lập lại 1/5 (1990 - 2020), do đó cần tập trung huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, rà soát điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô để sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường, lấy thị trường tiêu thụ để mở rộng và phát triển sản xuất.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh và sản xuất hàng hóa nhằm khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của từng vùng, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng; tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh liên kết hóa, doanh nghiệp hóa trong tất cả các khâu sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng diện tích lúa chất lượng cao, củng cố và giữ vững thương hiệu chất lượng gạo sạch Triệu Phong. Phát triển mạnh các loại cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, từng bước xây dựng “nền nông nghiệp sạch”.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học- công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Phát triển ngành trồng trọt, hình thành các vùng chuyên canh, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất và thâm canh, phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, đa dạng về quy mô cũng như hình thức, phù hợp với lợi thế của từng vùng, ưu tiên phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại công nghiệp, bán công nghiệp. Chú trọng chăn nuôi gắn liền với tăng cường công tác thú y, phòng dịch.

Phát triển lâm nghiệp thành một ngành kinh tế có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, trồng và khai thác chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng, khuyến khích trồng rừng thâm canh nhằm nâng cao giá trị lâm sản.

Đẩy mạnh cải hoán phát triển tàu thuyền, ngư lưới cụ để khai thác, đánh bắt trung và xa bờ, gắn khai thác với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền theo quy hoạch. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản nhằm phát huy lợi thế từng vùng, thực hiện đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quản lý môi trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nhất là thủy sản có giá trị xuất khẩu.

Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giao thông nông thôn, gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, 3 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiêp, ngành nghề thương mại, dịch vụ để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế. Ưu tiên phát triển công nghiệp có tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu như chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Củng cố phát triển các ngành nghề truyền thống. Tăng cường đầu tư sản xuất và giữ vững thương hiệu gạo sạch Triệu Phong.

Tranh thủ nguồn vốn và kêu gọi tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sạch lấp đầy Khu công nghiệp Đông Ái Tử. Quy hoạch xây dựng phát triển công nghiệp, ngành nghề dịch vụ ở nông thôn. Quảng bá và kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng khu dịch vụ sinh thái hồ chứa nước Ái Tử và vùng sinh thái ven biển thành khu du lịch dịch vụ thu hút du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Đặc biệt, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hình thành là thời cơ mới để thúc đẩy nền kinh tế huyện phát triển mạnh mẽ và toàn diện.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, y tế, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, phấn đấu xây dựng thành công huyện điển hình về văn hóa. Chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách xã hội, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Huy động mọi nguồn lực xã hội, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện tốt công tác chính sách xã hội.

Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao cảnh giác cách mạng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh vững chắc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Không ngừng chú trọng công tác cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên tất các các lĩnh vực gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng.

Đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành đảm bảo sự đồng bộ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, phát huy tốt vai trò phối hợp và giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ các cấp, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, phấn đấu xây dựng quê hương Triệu Phong ngày càng giàu mạnh, văn minh.

- Xin cảm ơn ông!

TB (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147984