Khai thác trái phép tại mỏ than Minh Tiến, Thái Nguyên: Hai 'đại gia than lậu' đất Quảng Ninh sa lưới
Hai anh em song sinh Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang, hay còn được gọi là 'Còm - Phệ', là hai 'đại gia' có tiếng đất Quảng Ninh trong lĩnh vực than lậu, đã bị sa lưới tại Thái Nguyên, liên quan tới hoạt động khai thác, tiêu thụ trái phép hàng triệu tấn than tại Mỏ than Minh Tiến.
Trong số 33 bị can vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán vật liệu nổ” liên quan đến hàng loạt sai phạm xảy ra tại Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), có hai cái tên đáng chú ý là Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang (sinh năm 1988, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Tại tỉnh Thái Nguyên, lợi dụng việc Công ty cổ phần Yên Phước được cấp phép khai thác khoáng sản tại Mỏ than Minh Tiến, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do Còm - Phệ góp vốn, đã “bắt tay” với Châu Thị Mỹ Linh, Tổng giám đốc Công ty Yên Phước, để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất gấp hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép.
Tính đến khi bị cơ quan chức năng khởi tố, các đối tượng này đã khai thác tổng số hơn 3 triệu tấn than cùng khoáng sản đi kèm, trong đó có 2,7 triệu tấn than; 420.000 m3 bã sàng và đá đen.
Quá trình này, Công ty Đông Bắc Hải Dương thông qua nhóm một số công ty liên quan, đã bán than khai thác trái phép cho các khách hàng tại Thái Nguyên, với trị giá 386,7 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng An Khánh mua 606.152 tấn than, 38,479 m3 bã sàng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt Nhật (Nhà máy Giấy An Hòa) mua 11.183 tấn than cám, giá trị hơn 11,2 tỷ đồng; bán lẻ cho một số cá nhân khác 159 tấn than và 94.364 m3 bã sàng, thu số tiền 15,6 tỷ đồng.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng cũng xác định, hành vi cấp Giấy phép khai thác cho Công ty Kim Sơn và chuyển nhượng cho Công ty Yên Phước; cấp giấy phép khai thác cho Công ty Yên Phước đã thực hiện không đúng quy định; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý về Đảng, hành chính theo quy định của pháp luật đối với ông Dương Văn Khanh, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Đặng Viết Thuần, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; ông Dương Ngọc Long, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và một số cá nhân khác.
Thêm vào đó, số lượng than, bã sàng đã được vận chuyển từ Mỏ than Minh Tiến về các bãi tập kết tại thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) từ năm 2019 - 2021 để sàng tuyển, phối trộn với than mua từ nguồn khác là 464.535 tấn than cám; 153.868 tấn bã sàng, số lượng còn tồn trên bãi chân Mỏ than Minh Tiến và bãi Núi Voi (tỉnh Thái Nguyên) là 86.265 tấn (gồm 64.418 tấn than cám và 21.847 tấn bã sàng).
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng xác định, từ năm 2017 - 2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương cũng đã mua các nguồn khác, với số lượng 1.477.698 tấn than cám, 866.330 tấn bã sàng.
Theo đó, sau khi phối trộn các nguồn than (khai thác trái phép từ mỏ Minh Tiến; nhập khẩu, mua của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, mua lậu không hóa đơn), Công ty Đông Bắc Hải Dương xuất bán cho Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (thông qua Công ty SHN) 1.271.125 tấn than cám, giá trị hơn 1.977 tỷ đồng; 11.888 tấn bã sàng, giá trị 3,563 tỷ đồng;
Nhà máy Nhiệt điện Phúc Thành 145.685 tấn than cám, giá trị 167,340 tỷ đồng; Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 88.492 tấn, giá trị 67,648 tỷ đồng và một số khách hàng khác 528.790 tấn, giá trị 636,066 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, số tiền nhóm thành viên góp vốn của Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thu lời bất chính từ việc khai thác trái phép tại Mỏ than Minh Tiến là hơn 213,5 tỷ đồng (đã trừ khoản thanh toán cho Châu Thị Mỹ Linh gần 163,5 tỷ đồng; Ngụy Quang Thuyên gần 9,8 tỷ đồng).
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên tiếp tay cho sai phạm?
Để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước liên quan tới hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên, có sự tiếp tay của lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, cáo trạng xác định, trong nội dung Quyết định phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra các năm 2015, 2016 và 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên có kiểm tra Mỏ than Minh Tiến của Công ty Yên Phước. Tuy nhiên, cơ quan này đã không thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, mà chỉ tiến hành hoặc tham gia 4 lần thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, theo kiến nghị của người dân và phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng.
Hơn nữa, tại 4 lần kiểm tra này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm, tuy nhiên, việc khắc phục, xử lý vi phạm đều đã bị bỏ qua.
Cựu Phó giám đốc sở này là Nguyễn Thế Giang được xác định đã phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khi trực tiếp phụ trách công tác quản lý về khoáng sản và môi trường; đồng thời được giao làm Trưởng đoàn kiểm tra đột xuất, nhưng lại không tham gia đoàn kiểm tra.
Thêm vào đó, Nguyễn Thế Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Công ty Yên Phước để xác định sản lượng khai thác than, đưa vào kết luận kiểm tra, không chỉ đạo đo đạc, giám định sản lượng than thực tế và yêu cầu Công ty Yên Phước cung cấp sổ sách, chứng từ, nên không xác định được sản lượng khoáng sản thực tế Công ty Yên Phước đã khai thác.
Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang không chỉ có tiếng là hai trong số những trùm than lậu đứng đầu tại đất mỏ Quảng Ninh, mà còn được biết nhiều người biết đến trong giới sưu tầm lan đột biến, với thương vụ “sang tay” giò lan lên tới 250 tỷ đồng. Giới chơi lan ước tính, có thời điểm, Thanh và Giang sở hữu số lan đột biến có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra thực tế đã phát hiện Công ty Yên Phước có nhiều vi phạm, nhưng Nguyễn Thế Giang cũng không đưa vào Kết luận kiểm tra.
Ngoài ra, các vi phạm xảy ra tại Mỏ than Minh Tiến cũng có sự tiếp tay của nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ sở này, gồm: Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; Cao Sỹ Linh, chuyên viên Phòng Khoáng sản; Lại Trung Hiếu, Phó chánh Thanh tra. Các cá nhân này được xác định đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các vấn đề vi phạm tại đây, dẫn đến sự việc kéo dài.
Mua bán trái phép gần 10 tấn vật liệu nổ
Là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, nhưng trong vụ án trên, lãnh đạo, cán bộ tại Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc cấp giấy phép vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phước.
Theo phê duyệt năm 2011, công suất khai thác tại Mỏ than Minh Tiến là 8.500 tấn/năm, khối lượng đất đá phải khoan nổ mìn là 4.180 m3, khối lượng vật liệu nổ cần phải sử dụng là 3.060 kg. Tuy nhiên, khi nhận chuyển nhượng lại mỏ than này, Công ty Yên Phước đã tự thay đổi quy mô khai thác, nhưng vẫn được Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên phê duyệt cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp gấp nhiều lần ban đầu.
Đáng nói là, trong năm 2015 và 2016, Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên đã ký quyết định cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phước, nhưng không ghi số lượng vật liệu nổ công nghiệp được sử dụng.
Đến năm 2018, Công ty Yên Phước được cấp giấy phép có thời hạn 3 năm (đến ngày 19/10/2021), với khối lượng vật liệu nổ công nghiệp được sử dụng là 12.856 kg/năm.
Quá trình điều tra, Nguyễn Ngô Quyết và Đỗ Huy Cương, Nguyễn Vãn Phong (Trưởng phòng và Phó phòng Kỹ thuật an toàn môi trường) đều khai nhận, việc thẩm định, tham mưu và ký ban hành Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với khối lượng 12.856 kg/năm là vượt 9.796 kg/năm so với khối lượng sử dụng khai thác theo thiết kế cơ sở đã được Sở Công thương phê duyệt trước đó; đồng thời cho rằng, việc thực hiện thủ tục cấp phép như trên là tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vật liệu nổ công nghiệp để sử dụng khai thác than.
Cựu Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên cũng khai đã nhận 100 triệu đồng từ Châu Thị Mỹ Linh để tổ chức Đại hội Liên đoàn bóng bàn tỉnh Thái Nguyên (do Quyết làm Chủ tịch Liên đoàn).
Viện Kiểm sát xác định, hành vi của Nguyễn Ngô Quyết, Đỗ Huy Cương và Nguyễn Văn Phong đã xâm phạm chế độ quản lý của Nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, tạo điều kiện để Châu Thị Mỹ Linh và đồng phạm tại Công ty Yên Phước mua bán trái phép và sử dụng trái phép vật liệu nổ để khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến.