Khai thác yếu tố văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội

ĐTO - Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (viết tắt Nghị quyết số 33), các cấp ủy, chính quyền của huyện Tháp Mười cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện. Trong đó, chú trọng khai thác yếu tố văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Du khách tham gia phiên Chợ đồng quê tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Ảnh: Hoàng Kha)

Du khách tham gia phiên Chợ đồng quê tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Ảnh: Hoàng Kha)

Liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 33, huyện Tháp Mười quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh; tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nhất là có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Bên cạnh đó, rà soát thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện, môi trường văn hóa pháp lý trong hoạt động hành chính, xây dựng môi trường thân thiện, chính quyền năng động, phục vụ Nhân dân.

Phát động và xây dựng tốt văn hóa doanh nghiệp gắn với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn chữ tín và cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững. Từ đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có nhiều sản phẩm tốt đáp ứng thị hiếu thị trường, nhất là các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Địa phương tổ chức các chương trình gặp gỡ doanh nghiệp, phát huy mô hình “Cà phê doanh nhân” để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ động hơn trong công tác xúc tiến đầu tư cũng như cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh.

Các ngành, đơn vị hữu quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, qua đó tuyên truyền hướng tới tính “chân - thiện - mỹ”; đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa, con người trong tình hình mới. Nổi bật, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở” ngày càng giữ được vai trò chủ đạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân địa phương.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch. Huyện Tháp Mười có 7 di tích được xếp hạng công nhận, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 6 di tích cấp tỉnh. Hàng năm, các di tích trên địa bàn huyện Tháp Mười thu hút hơn 700.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó, thúc đẩy quảng bá những giá trị văn hóa, hình ảnh con người tỉnh Đồng Tháp nói chung và huyện Tháp Mười nói riêng đến với du khách trong và ngoài địa phương.

Đáng ghi nhận, địa phương tổ chức 14 phiên Chợ quê tại Khu di tích Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) thu hút gần 195.000 lượt khách, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động địa phương. Tổ chức 2 phiên Chợ đồng quê tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, thu hút gần 3.000 khách, doanh thu hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Các phiên Chợ quê, Chợ đồng quê tái hiện lại không gian chợ xưa với những hình ảnh, món ăn dân dã, mộc mạc, phát huy giá trị các di tích lịch sử, cảnh quan nhằm thu hút khách du lịch, tạo việc làm, thu nhập, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền của huyện Tháp Mười tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 33 gắn với Nghị quyết số 06 ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Quan tâm chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các chính sách về văn hóa và an sinh xã hội; nâng cao chất lượng bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa nói chung.

Huyện Tháp Mười chú trọng vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết, góp phần định hướng dư luận xã hội, phê phán lối sống trái với thuần phong, mỹ tục. Phát huy hiệu quả mô hình Chợ quê, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào việc bảo tồn, khai thác các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn để phát triển du lịch. Qua đó, quảng bá văn hóa và con người Tháp Mười nghĩa tình, năng động, sáng tạo trong xây dựng huyện đạt nông thôn mới nâng cao.

Ngọc Tâm

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/van-hoa/khai-thac-yeu-to-van-hoa-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-123681.aspx